Bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển

14/11/2019 13:28 Tăng trưởng xanh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải các nước ASEAN tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp nhằm tạo ra một mạng lưới vận tải thuận lợi, không cản trở, bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển, tiến tới một Cộng đồng Kinh tế ASEAN “không rào cản, không biên giới”.
ASEAN hướng tới xây dựng cộng đồng phát triển bền vững Năm Chủ tịch ASEAN: Vị thế và vai trò Việt Nam Bối cảnh mới của ASEAN và năm Chủ tịch của Việt Nam

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) các nước ASEAN lần thứ 25 (25th ATM) sáng 14/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định: Trải qua hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới.

Bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Trong đó, ASEAN luôn coi kết nối và hội nhập là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai các biện pháp hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần phát huy lợi thế của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, trung tâm và nhiều tiềm năng. Để đạt được mục tiêu này, việc tăng cường hợp tác kết nối về GTVT là hết sức cần thiết và quan trọng.

Với mục tiêu hướng tới một “ASEAN thông suốt”, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều năm qua, Việt Nam đã coi phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược cùng với hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến nay, Việt Nam đã đưa vào khai thác gần 1.000 km đường bộ cao tốc. Hiện, đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam và nhiều tuyến nhánh với mục tiêu sớm hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối các đô thị, trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn; kết nối với các tuyến vận tải khu vực và quốc tế.

Bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Về đường thủy, Việt Nam đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp một số cảng cửa ngõ quốc tế như cảng Lạch Huyện (phía Bắc), cảng Đà Nẵng (miền Trung), cảng Cái Mép-Thị Vải (ở phía Nam) với tổng công suất các cảng lên khoảng 543 triệu tấn/năm, năng lực thông qua hiện nay đạt 460 triệu tấn/năm.

Về hạ tầng hàng không, đã đầu tư xây dựng 22 cảng hàng không (trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế), tổng năng lực của các cảng hàng không khoảng 75 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa.

Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, kết nối hài hòa các phương thức, góp phần làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

“Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; hướng tới một ASEAN hòa bình, ổn định, ngày càng phát triển thịnh vượng, có bản sắc, có vai trò và tiếng nói quan trọng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Để đạt được mục tiêu này, tôi đề nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, biện pháp trong khuôn khổ hợp tác GTVT ASEAN trên tất cả các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ cũng như thúc đẩy triển khai các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết. Đồng thời, tiếp tục phối hợp hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tăng cường phát triển giao thông vận tải bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết nối số, hạ tầng xanh

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng GTVT tham gia Hội nghị cần chủ động, tích cực triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển GTVT ASEAN 2016-2025, nhân tố quan trọng trong việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2025; triển khai có hiệu quả Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải hành khách qua biên giới bằng đường bộ và các hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải nhằm tạo ra một mạng lưới vận tải hàng hóa, dịch vụ và hành khách thuận lợi, không cản trở, tiến tới một Cộng đồng Kinh tế ASEAN “không rào cản, không biên giới”.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Hàng không toàn diện ASEAN-EU-Hiệp định Hàng không thế hệ mới lần đầu tiên giữa hai khu vực lớn trên thế giới, tạo tiền đề cho kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa hai khu vực này.

Bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển
Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Sớm hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định ASEAN về hợp tác tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải nhằm bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động kết nối giao thương giữa các nước ASEAN.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến mục tiêu “chung tay, nỗ lực phát triển GTVT ASEAN bền vững, giảm thiểu tối đa các tác động tới môi trường, cắt giảm khí thải nhà kính đến từ hoạt động GTVT”.

Ngoài ra, các nước ASEAN cần đẩy mạnh kết nối với thế giới thông qua các thỏa thuận hợp tác với các đối tác như: Triển khai Hiệp định về dịch vụ hàng không ASEAN-Trung Quốc; đàm phán, ký kết Hiệp định Hàng không ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-New Zealand, ASEAN-Hoa Kỳ.

Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm thực tiễn của các đối tác nêu trên để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ASEAN hiện đại, đồng bộ, kết nối thông suốt giữa ASEAN và các nước đối tác.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người ngày càng rõ rệt, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng GTVT ASEAN xem xét, thảo luận để đề ra các phương hướng, cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực.

Một là, tăng cường hơn nữa kết nối số, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động GTVT: Tận dụng các thành tựu khoa học-kỹ thuật của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao hiệu quả kết nối về giao thông vận tải.

Hai là, phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực bên ngoài, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng "chất lượng, xanh, bền vững và thông minh" - sử dụng nguyên vật liệu và công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường; gắn yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu vào thiết kế và xây dựng; bảo đảm bền vững về tài chính; ứng dụng tiến bộ khoa học vào vận hành và quản lý.

Đồng thời, phát huy tối đa hình thức kết nối đa phương thức, kết hợp hài hòa vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy để đạt hiệu quả cao nhất.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực GTVT. Đây là yêu cầu mà Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý vì mang tính “cấp bách thời đại mới”, phải tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực để khu vực ASEAN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

"Là một thành viên tích cực trong ASEAN, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực, hợp tác chặt chẽ và tích cực với các quốc gia thành viên trong việc triển khai các cam kết, thỏa thuận để ASEAN khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực, cùng với các đối tác duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ trên không, trên bộ, trên biển vì một ASEAN thịnh vượng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phan Trang
Theo VGP
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động