Chủ quán cà phê tái chế: "Tôi bị cho là ma nhập vì đem rác về"

27/08/2019 23:07 Tăng trưởng xanh
Từ bỏ công việc ổn định để chuyển sang "start up" quán cà phê tái chế từ "rác" đã bỏ đi, anh Nguyễn Văn Thơ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nói rằng mình cảm thấy rất hạnh phúc.

Tọa lạc trong con hẻm số 3B trên phố Hàng Tre, Hà Nội, quán cà phê tái chế mang tên Hidden Gem Coffee của anh Nguyễn Văn Thơ (làng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách quốc tế và của rất nhiều khách hàng tại Hà Nội.

Người ta biết đến quán cà phê tái chế này vì 100% vật dụng trong quán đều được làm từ “rác” đã bỏ đi, nhưng bằng một cách tái chế nào đó, chúng vẫn rất đẹp và hữu dụng.

Thế nhưng, mấy ai biết rằng để làm nên nên quán cà phê độc đáo đó là một hành trình dài. Phía sau anh Nguyễn Văn Thơ - người chủ quán tâm huyết với quán cà phê của mình, là một câu chuyện dài nhiều trải nghiệm, nhiều suy tư về hành trình giúp cộng đồng thay đổi tư duy với rác.

Không gì không thể tái chế

Khi được hỏi về cơ duyên đưa anh đến với ý tưởng mở một quán cà phê tái chế, anh Nguyễn Văn Thơ dốc bầu tâm sự, rằng trước đây anh đã có nhiều năm gắn bó với ngành du lịch. Anh đã đi khắp nơi để rồi nhận thấy nhiều du khách đã quay lưng với nhiều địa danh của Việt Nam, vì họ thấy…rác.

"Rác ở khắp mọi nơi, bãi biển, ao hồ, những cánh đồng, kênh rạch, thậm chí chùa chiền, rác ở ngay cả những nơi linh thiêng. Anh muốn làm gì đó để thay đổi nhận thức của mọi người về cách xử lý rác" - Anh Thơ chia sẻ. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải tất cả lý do.

chu quan ca phe tai che toi bi cho la ma nhap vi dem rac ve
Anh Nguyễn Văn Thơ - Chủ quán cà phê tái chế Hidden Gem Coffee.

Anh còn một lý do khác, anh kể rằng ý tưởng đó ảnh hưởng rất nhiều từ nơi anh sinh ra và lớn lên. Quê anh – làng Mẫn Xá, huyện Yên Phong là nơi ô nhiễm nặng nề nhất của tỉnh Bắc Ninh. Và có lẽ trên cả nước, cũng ít nơi nào ô nhiễm khủng khiếp đến mức đó.

Đất đai và nguồn nước ở Mẫn Xá quê anh lẫn đầy axit, kim loại nặng, các loại chất hóa học và chất thải độc hại. Những người trong gia đình như bác ruột, chú ruột, nhiều người trong làng anh chết vì ung thư. Anh đặt câu hỏi là mọi người đang làm việc để sống hay là làm để chết?

Bởi vì thế, khi anh nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, anh lóe lên suy nghĩ về việc tái chế rác thải. Tái chế rác thải thực sự trở thành một điều gì đó thôi thúc trong anh.

Thế nhưng điều đưa anh đến quyết định mở quán cà phê tái chế mới thực sự đặc biệt. Anh kể: “Vào ngày giỗ bà nội anh các đây 20 năm. Bà mất sau 3 năm thì cải táng. Quan tài được nhấc lên, ván làm quan tài ấy, người ta gọi là ván thôi. Bố anh bảo anh mang ván thôi về ngâm xuống nước 3 tháng cho hết mùi thì kéo lên làm cốt pha, làm cửa chuồng bò.

Lúc đó anh mới thấy từ tấm ván đã chôn người chết mà còn tái chế được, thì gần như không có cái gì không thể tái chế. “Thế nên tất cả là do cách nhìn của mình về rác, nếu như mình không coi nó là rác thì nó không phải là rác" - Anh Thơ khẳng định.

Từng bị cho là “ma nhập” vì mang rác thải về tái chế

Từ những suy nghĩ đó, anh Thơ quyết định nghỉ việc và đi gom rác ở khắp mọi nơi, anh đặc biệt quan tâm đến việc tái chế rác thải nhựa vì chúng không thân thiện với môi trường.

Mọi người nghĩ anh bị điên khi từ bỏ một công việc đã gắn bó từ lâu, thu nhập ổn định để đi làm việc vô bổ. Anh nhận nhiều lời đàm tiếu từ bạn bè, họ nói anh bị “ma nhập”, “rác nhập”, có vấn đề về thần kinh mới đi nhặt rác.

“Nhiều lúc up ảnh lên facebook bạn bè cũng bình luận không hay lắm, kiểu “mày bị làm sao đấy?”, “mày bị thế này lâu chưa?”, mình cũng không biết nói thế nào cho họ hiểu. Thậm chí hàng xóm cũng khó hiểu khi anh suốt ngày mang rác về đây” – Anh Thơ cười xòa.

Nhiều ngày liền làm việc với rác, anh bẩn từ đầu đến chân là chuyện thường, thậm chí bị ốm, nhiều lúc anh muốn bỏ cuộc. Nhưng nhìn lại động lực thôi thúc, anh vượt qua tất cả.

chu quan ca phe tai che toi bi cho la ma nhap vi dem rac ve
Máy móc cũ, hỏng được tận dụng trong quán cà phê.
chu quan ca phe tai che toi bi cho la ma nhap vi dem rac ve
Máy móc đã cũ, hỏng được tận dụng.
chu quan ca phe tai che toi bi cho la ma nhap vi dem rac ve
Lốp xe được tận dụng để làm bàn cà phê.
Anh tái chế rác để làm vật dụng cho quán cà phê dựa trên 3 tiêu chí: Thứ nhất, nó là đồ đã bỏ đi. Thứ hai, nó là những thứ anh tự xử lý được mà không quá cầu kì. Thứ ba, nó phải có tính thẩm mỹ. Để khi chế tác thành sản phẩm mọi người phải ngạc nhiên vì hóa ra nó cũng đẹp và hữu dụng.

Thông qua những vật dụng vẫn có tính thẩm mỹ và có giá trị sử dụng sau tái chế, thì mọi người mới có nhận thức khác về rác, có góc nhìn mới về rác, từ đó thay đổi suy nghĩ về rác thì mới có thể thay đổi hành vi đối với rác.

Thông điệp: “Hãy để cỏ cây và con vật cùng hạnh phúc”

Trong buổi trò chuyện, điều anh nhắc đi nhắc lại chính là phải thay đổi nhận thức đối với môi trường sống, rằng: "Con người có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng kiếm tiền trên sự đau khổ của thiên nhiên, của cỏ cây, của con vật thì đến một ngày nào đó con người sẽ trở thành nạn nhân của chính mình".

Anh đã từng đi rất nhiều nơi, anh đến nước Úc, anh thấy đến con vật, cái cây ở đây cũng rất hạnh phúc. Anh nói: “Con vật không có ai săn đuổi nó, cây cối không phải oằn mình chịu đựng khói bụi hay khí thải. Từ con người tới cây cối, động vật ở đây đều khỏe mạnh, vui vẻ, như vậy chẳng phải tốt hơn sao?”

Chia sẻ với PV, anh Thơ tiết lộ rằng không chỉ dừng lại ở quán cà phê tái chế, anh đang ấp ủ ý định sẽ mở nhà hàng và khách sạn tái chế, tiếp tục nhân rộng mô hình và truyền cảm hứng bảo vệ môi trường từ việc tái chế rác thải.

Thời điểm anh Thơ quyết định rời bỏ công việc hiện tại để sang kinh doanh cà phê tái chế, anh nói rằng: “Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn”. Đương nhiên là như vậy. Và bằng niềm đam mê, tấm lòng của một người con yêu quê hương, yêu môi trường xanh, anh Thơ vẫn đang tiếp tục hành trình truyền cảm hứng bảo vệ môi trường từ việc tái chế rác thải, để nhân rộng niềm hạnh phúc nhỏ bé của mình đến với mọi người rộng rãi hơn.

Theo MTĐT
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động