Giải pháp sớm hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho người dân

26/08/2019 16:25 Tăng trưởng xanh
Để đạt mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, Hà Nội đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch. Đặc biệt, nghiên cứu đưa phương án bảo đảm cấp nước cho người dân tại những khu vực khó có khả năng tiếp cận từ nguồn nước sạch tập trung.
Nước sạch đang cạn kiệt ở nhiều nơi trên thế giới Khánh thành Nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc Khoảng 40 nghìn người sẽ được cung cấp thông tin về nước sạch và sức khoẻ

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%, UBND TP. Hà Nội đã, đang triển khai đầu tư xây dựng 11 dự án phát triển nguồn; phê duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch để nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai thi công tại 382/416 xã. Đồng thời củng cố, nâng cấp các công trình trạm cấp nước sạch nông thôn.

Đặc biệt, năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 nhà đầu tư thực hiện 31 dự án cấp nước sạch trên địa bàn thành phố với mật độ phủ mạng lưới đạt 88%; khu vực còn lại, tiếp tục kêu gọi đầu tư, bảo đảm đến năm 2020, 100% người dân khu vực đô thị và nông thôn đều được tiếp cận sử dụng nước sạch cùng tiêu chuẩn.

giai phap som hoan thanh muc tieu cap nuoc sach cho nguoi dan
Ảnh minh họa

Có thể thấy, UBND TP. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để "về đích" đúng hẹn với tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sạch, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trở ngại.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 6/2019, tại huyện Quốc Oai, vẫn còn 3 xã (Hòa Thạch, Phú Cát, Đông Yên) chưa xây dựng mạng cấp nước; huyện Thạch Thất còn 9 xã (Cẩm Yên, Đồng Trúc, Hạ Bằng, Lại Thượng, Phú Kim, Tân Xã, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung) chưa được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung; thị xã Sơn Tây, còn một số hộ dân thuộc 2 xã (Sơn Đông, Cổ Đông) mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tư.

Đáng lưu ý, qua giám sát, khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội, 12 dự án đầu tư phát triển mạng cấp nước đã được triển khai song thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ phê duyệt. Trong đó, có các dự án thuộc các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Trì,…Nguyên nhân chậm chủ yếu là do các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án theo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt...

Để đạt mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở ngành, chính quyền các cấp tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch tại các khu vực còn khó khăn; cải tạo, nâng cấp, thay thế hệ thống mạng đường ống cấp nước cũ, nhằm bảo đảm đồng bộ hệ thống mạng quy hoạch, áp lực, chất lượng nước sạch trên toàn hệ thống.

Trong đó, Hà Nội giao Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, định kỳ giao ban kiểm điểm tiến độ thực hiện từng dự án công trình nhà máy nước, các mạng truyền dẫn, phân phối theo đúng kế hoạch đã được UBND thành phố chấp thuận tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Cùng với đó, yêu cầu Sở kiểm tra, đôn đốc các Công ty cấp nước trong việc lắp đặt bổ sung thiết bị, nâng cấp các trạm cấp nước hiện có, đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế và chủ trương của Thành phố.

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Công ty cấp nước xây dựng phương án tiếp nhận các trạm cấp nước cục bộ trong phạm vi phát triển mạng lưới cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của đơn vị được UBND thành phố giao triển khai thực hiện (trong đó, có nghiên cứu giải pháp kết nối, thay thế nguồn cấp cho các trạm cấp nước).

Hà Nội cũng đã nghiên cứu có phương án bảo đảm cấp nước cho người dân tại những khu vực khó có khả năng tiếp cận từ nguồn nước sạch tập trung tại một số xã thuộc các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì. Có như vậy mới bảo đảm đạt mục tiêu cấp nước sạch đến năm 2020

PV
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động