Hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm giảm thiểu rác thải nhựa

25/12/2020 14:08 Quản lý nguồn thải
Phát biểu tại lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp tổ chức vào sáng 23/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh "Sự kiện này một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam, với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế".
Triển khai công tác chuẩn bị khởi động Chương trình Hành động quốc gia về nhựa
hanh dong manh me co trach nhiem giam thieu rac thai nhua

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi lễ khởi động Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (Ảnh: ĐT).

Nhựa là một phát minh quan trọng, đóng vai trò to lớn trong sản xuất và đời sống sinh hoạt của mỗi người. Tuy nhiên, cách thức sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nhựa thiếu bền vững, đặc biệt là các sản phẩm dùng một lần, đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho môi trường, các hệ sinh thái. Rác thải nhựa hiện được xem là "báo động đỏ", là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra một loạt các mục tiêu với thời hạn cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, bao gồm cắt giảm một nửa lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025; giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN-MT tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Diễn đàn Kinh tế thế giới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình này. “Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để NPAP được triển khai thực hiện thành công, trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững. Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu" – Phó Thủ tướng nói.

hanh dong manh me co trach nhiem giam thieu rac thai nhua
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định sự kiện này là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững (Ảnh: ĐT).

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định sự kiện này là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường.

Chương trình NPAP là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ TN-MT với Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động