Hệ thống báo cháy phải thông báo rõ địa chỉ từng căn hộ

12/09/2019 14:43 Tăng trưởng xanh
Hệ thống báo cháy tự động phải thông báo rõ địa chỉ của từng căn hộ - Đó là một trong những quy định mà Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến góp ý.
Thời gian lưu trữ rác thải nhà chung cư không được quá 2 ngày Yêu cầu về hệ thống cấp nước và thoát nước nhà chung cư

Theo Dự thảo, nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn cháy theo QCVN 06:2010/BXD. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các yêu cầu bổ sung như tường và vách ngăn giữa các đơn nguyên; tường và vách ngăn giữa hành lang chung (bên ngoài căn hộ) với các phòng khác, phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 60. Tường và vách ngăn không chịu lực giữa các căn hộ, phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 40 và cấp nguy hiểm cháy K0.

Lan can các lô gia và ban công trong nhà từ tầng 3 trở lên phải làm từ vật liệu không cháy. Các phòng có chức năng công cộng phải được ngăn cách với các phòng ở bằng các vách ngăn cháy loại 1, các sàn ngăn cháy loại 3, còn trong các nhà có bậc chịu lửa I thì phải ngăn cách bằng sàn ngăn cháy loại 2. Đối với nhà có từ 2 đến 3 tầng hầm, bậc chịu lửa của nhà là bậc I.

du thao yeu cau ve an toan chay nha chung cu
Hình ảnh vụ cháy chung cư Carina Plaza.

Đối với nhà có chiều cao từ 75m đến 100m, ngoài việc tuân thủ các quy định như trên, cần đảm bảo các yêu cầu bổ sung, như sau: Bậc chịu lửa của nhà là bậc I theo QCVN 06:2010/BXD. Tòa nhà phải được phân chia theo chiều cao thành các khoang cháy với chiều cao mỗi khoang không lớn hơn 50m. Các khoang cháy phải được ngăn cách với nhau bằng một sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tối thiểu REI 150 hoặc bằng một tầng kỹ thuật với kết cấu chịu lực theo phương ngang (sàn và trần) có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90.

Diện tích cho phép lớn nhất của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy phải tuân thủ theo QCVN 06:2010/BXD. Tại các vị trí giao nhau giữa sàn ngăn cháy và các bộ phận ngăn cháy với kết cấu bao che của nhà phải có các giải pháp đảm bảo không để cháy lan truyền qua các bộ phận ngăn cháy. Mỗi khoang cháy phải có hệ thống đường ống, đường dẫn kỹ thuật (sưởi, cấp nước chung, cấp nước chữa cháy, thoát khói, chiếu sáng thoát nạn, báo cháy, chữa cháy tự động) độc lập. Phía trên lối ra từ các gara ở tầng một phải bố trí các mái đua bằng vật liệu không cháy có chiều rộng không nhỏ hơn 1,0m và đảm bảo khoảng cách từ mái đua này tới cạnh dưới của các lỗ cửa sổ bên trên không nhỏ hơn 4,0 m. Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của căn hộ đến lối ra thoát nạn gần nhất (buồng thang bộ hoặc lối ra bên ngoài) phải tuân thủ QCVN 06:2010/BXD. QCVN ....: 2019/BXD 19.

Chiều rộng bản thang và chiếu thang của các buồng thang bộ loại N1 tại phần ở của nhà phải không nhỏ hơn 1,20m; buồng thang bộ loại N2 không nhỏ hơn 1,05m với khoảng cách hở thông thủy giữa các bản thang không nhỏ hơn 100mm. Từ tất cả các buồng thang bộ không nhiễm khói phải có các bản thang dẫn lên mái qua các cửa ngăn cháy loại 2. Cửa căn hộ dẫn ra hành lang phải là cửa ngăn cháy loại 1. Các phòng không ở, kể cả các phòng kỹ thuật và phòng phụ trợ phục vụ cho phần ở phải được ngăn cách với phần ở của nhà bằng tường ngăn cháy đặc có giới hạn chịu lửa REI 150 và sàn ngăn cháy loại 1 và có các lối ra thoát nạn riêng.

Các giếng thang máy của phần ở không được thông với phần còn lại của nhà. Các giếng của hệ thống kỹ thuật (kể cả đường ống rác) của phần ở và phần còn lại của nhà phải riêng biệt. Lớp cách nhiệt (nếu có) của tường ngoài nhà phải được làm bằng vật liệu không cháy. Cho phép sử dụng lớp cách nhiệt từ vật liệu có nhóm cháy Ch1 và Ch2 (QCVN 06:2010/BXD) nếu nó được bảo vệ từ tất cả các phía bằng bê tông hoặc vữa trát có chiều dày không nhỏ hơn 50 mm. Tại các vị trí lắp khuôn cửa sổ và cửa đi trên tường ngoài chiều dày của lớp bê tông (vữa trát) này phải không nhỏ hơn 30 mm. Các cụm cửa sổ và các mảng lắp kính của ban công và lô gia phải làm từ vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1).

Các cửa ngăn cháy phải được bố trí phù hợp cho từng trường hợp như sau: Cửa ngăn cháy trên tường và sàn ngăn cách các khoang cháy phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 90; cửa ngăn cháy phải là loại 1 trong các trường hợp: cửa ở tường bên trong của buồng thang bộ không nhiễm khói và sảnh thang máy, cửa của căn hộ đi ra hành lang chung, cửa trên các kết cấu bao che phòng kỹ thuật, phòng chứa thiết bị hoặc vật liệu có nguy cơ cháy cao, giếng và khoang kỹ thuật; cửa ngăn cháy là loại 2 trong trường hợp cửa từ khoang đệm đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói, vào sảnh thang máy và vào phòng có ống đổ rác. Cửa của giếng thang máy và đi vào sảnh thang máy phải là các cửa không lọt khói.

Vật liệu hoàn thiện trần, tường, sàn trên các đường thoát nạn, trong sảnh thang máy, sảnh chung, tầng kỹ thuật phải là vật liệu không cháy. Lớp cách âm của các phòng, cũng như cách nhiệt cho thiết bị và đường ống kỹ thuật phải làm từ vật liệu không cháy. Các đường ống của hệ thống kỹ thuật (thoát nước, dẫn nước mưa, cấp nước nóng và lạnh, ống thu rác) được làm bằng vật liệu không cháy. Các đường ống cấp nước trong phạm vi một căn hộ (trừ trục đứng) được phép làm bằng vật liệu cháy nhóm Ch1 và Ch2. Việc bảo vệ chống khói cho nhà, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động thực hiện theo QCVN 06:2010 /BXD và các quy định sau: Tất cả các phòng không phải phòng ở (gara, phòng phụ trợ, phòng kỹ thuật, không gian công cộng, khoang chứa rác, ...) và ống đổ rác phải có thiết bị chữa cháy tự động Sprinkler (trừ các gian phòng kỹ thuật điện, điện tử có yêu cầu bố trí hệ thống dập lửa thể khí). Bên trên các cửa vào căn hộ, từ phía ngoài, phải lắp các Sprinkler nối với đường ống cấp nước chữa cháy thông qua rơ le dòng.

Hệ thống báo cháy tự động phải báo rõ địa chỉ của từng căn hộ. Trong các phòng của căn hộ và các hành lang tầng, kể cả sảnh thang máy phải lắp đặt đầu báo khói. Các phòng ở của nhà phải được trang bị hệ thống loa truyền thanh để hướng dẫn thoát nạn. Cần trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động trong các kênh, giếng kỹ thuật điện, thông tin liên lạc và giếng kỹ thuật khác có nguy hiểm cháy. Nguồn điện cấp cho hệ thống bảo vệ chống cháy gồm: thang máy phục vụ chuyên chở lực lượng, phương tiện chữa cháy; hệ thống bảo vệ chống khói; hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; chiếu sáng và chỉ dẫn thoát nạn, phải được lấy từ các tủ điện độc lập hoặc các bảng điện riêng với mầu sơn khác nhau đi theo hai tuyến riêng biệt tới thiết bị phân phối của từng khoang cháy. Các dây điện đi nổi bên ngoài căn hộ trong phạm vi một khoang cháy phải được đặt trong các ống kim loại hoặc hộp, giếng, kênh làm bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90 hoặc không nhỏ hơn REI 150 khi nằm bên ngoài khoang cháy.

Đối với nhà có chiều cao từ 100m đến 150m, ngoài việc tuân thủ các quy định về an toàn cháy trên đây, cần phải bố trí tầng lánh nạn, gian lánh nạn, đáp ứng các yêu cầu sau: Tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Các gian lánh nạn bố trí ở tầng lánh nạn, phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150. Gian lánh nạn phải có diện tích với định mức 0,3 m2/người, đảm bảo đủ chứa tổng số người như liệt kê dưới đây: Số người của tầng có gian lánh nạn; Một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía trên tính từ tầng có gian lánh nạn đến tầng có gian lánh nạn tiếp theo; một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía trên đối với tầng có gian lánh nạn trên cùng; Một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía dưới tính từ tầng có gian lánh nạn đến tầng có các gian lánh nạn tiếp theo; một nửa tổng số người của tất cả các tầng phía dưới đối với tầng có gian lánh nạn dưới cùng. Gian lánh nạn phải có cửa thông với buồng thang không nhiễm khói và phải có cửa ra thang máy chữa cháy; Gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy riêng gồm: thiết bị chống tụ khói, họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn…

Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động