Kết quả bước đầu thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh

13/01/2020 08:09 Địa phương
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025 nhằm mục tiêu đến năm 2025 tất cả lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, chất thải trong sản xuất nông nghiệp, chất thải làng nghề, khu, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý triệt để; hệ thống nước thải, khí thải được xử lý theo đúng quy định.
Bài toán xử lý chất thải sinh hoạt của tỉnh Bắc Ninh
ket qua buoc dau thuc hien de an tong the bao ve moi truong tinh bac ninh
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đồng loạt triển khai thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Với chủ đề năm 2019 là “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước khắc phục tồn tại trong quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách, đưa Bắc Ninh phát triển hài hòa theo hướng bền vững, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 – 2020.

Sau gần 8 tháng triển khai thực hiện, đến nay Đề án đạt một số kết quả nhất định: Các địa phương đồng loạt triển khai thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thu gom chất thải nông nghiệp; bào giao thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng về các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm đồng nhất về mẫu mã, chủng loại, chất lượng. Điểm tập kết rác thải ở các địa phương đều được áp dụng biện pháp đánh đống, phun chế phẩm vi sinh, hạn chế phát tán mùi và dọn vệ sinh thường xuyên.

Công tác phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bắt đầu được thực hiện thí điểm tại các xã Liên Bão (Tiên Du), Lâm Thao (Lương Tài), bước đầu cho kết quả khả quan. Lượng rác thải phát sinh hàng ngày phải tập kết, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm hẳn, chất thải hữu cơ phát huy tác dụng tái chế làm phân bón. Rác tái chế có thể phụ trợ cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Năm 2019, tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn đạt 95% so với kế hoạch; tỷ lệ chất thải rắn khu đô thị thu gom xử lý đạt 98%; 100% xã, phường, thị trấn có phong trào làm sạch ruộng đồng; 100% các điểm tập kết rác thải hoạt động hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Điểm nhấn trong thực hiện Đề án năm 2019 chính là việc khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng tại huyện Quế Võ, do Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long làm chủ đầu tư. Là Nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phân loại rác đầu vào kết hợp lò đốt tầng sôi tuần hoàn theo công nghệ của Phần Lan. Dự kiến vào cuối năm 2020, Nhà máy sẽ đi vào vận hành thương mại với công suất xử lý 500 tấn rác sinh hoạt/ngày đêm, công suất phát điện là 11,7 MWe, góp phần giải quyết triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt, các loại chất thải rắn phát sinh hàng ngày và còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt với công nghệ đốt rác, thu hồi nhiệt trị để phát điện, Nhà máy sẽ góp phần cung cấp điện năng hòa vào lưới điện Quốc gia.

2 Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện Thuận Thành, Lương Tài đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng.

Ngoài việc vận hành hết công suất 3 Nhà máy xử lý rác thải tập trung, một số lò đốt rác công suất nhỏ, tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai xây dựng các lò đốt rác công suất nhỏ tại các xã, phường, thị trấn của 3 địa phương “nóng về rác thải” hiện nay là huyện Yên Phong, Tiên Du và thị xã Từ Sơn. Đến thời điểm này, huyện Yên Phong đã lựa chọn địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng 8 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn tại 10 xã; thị xã Từ Sơn, đã lắp đặt 4 lò đốt rác, 3 lò đang triển khai xây dựng, 3 lò đang lựa chọn địa điểm; huyện Tiên Du, hiện đã có 1 lò đốt rác hoạt động, 8 lò đã lựa chọn địa điểm, lập dự án đầu tư xây dựng. Trong năm 2020 tất cả các lò đốt rác công suất nhỏ tại các địa phương sẽ được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, đáp ứng tối ưu việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại các vùng nông thôn.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động