Kỳ vọng mới trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Bến Tre
Bến Tre: Nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn |
Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 95,5% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. |
Mục tiêu của Đề án là đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe nhân dân và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh; Xây dựng và triển khai chương trình, dự án, kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt cho tỉnh Bến Tre phù hợp với điều kiện thực tế; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị tham gia và nhân dân trong công tác phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo đúng các quy định hiện hành.
Tỉnh Bến Tre đã đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 95,5% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (trong đó, Tp Bến Tre trên 97%, các huyện trên 95%); trên 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi rác hiện hữu ở các huyện; xóa các bãi rác tạm cấp xã để thay thế vào đó là các trạm trung chuyển rác hợp vệ sinh; mở rộng mạng lưới thu gom, vận chuyển rác đến các xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến năm 2030, trên 98,5% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trên 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; hoàn thành xây dựng 01 khu liên hợp xử lý rác thải tập trung, xử lý rác thải cho toàn tỉnh Bến Tre (khu liên hợp xử lý rác thải tập trung được quy hoạch đặt tại huyện Giồng Trôm hoặc huyện Mỏ Cày Nam); các bãi rác, nhà máy xử lý rác hiện hữu sẽ được thay thế bằng các trạm trung chuyển rác. Cùng với đó, nhận thức và sự chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý rác thải của nhân dân trong tỉnh cao; môi trường đô thị và nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh Bến Tre xác định đến năm 2025, gồm 18 nhiệm vụ, dự án ưu tiên triển khai để thực hiện công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, nhiệm vụ mục tiêu là ưu tiên là xây dựng 01 khu liên hợp xử lý rác thải tập trung, xử lý rác thải cho toàn tỉnh Bến Tre, hình thức kêu gọi đầu tư, xã hội hóa.
Theo UBND tỉnh, Khu liên hiệp xử lý rác theo công nghệ tiên tiến, không sử dụng diện tích đất để chôn lấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không gây ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân gần khu xử lý rác di dời đến chỗ ở mới để tránh bị ảnh hưởng (người dân vẫn sử dụng đất gần khu vực xử lý rác để sản xuất, không sử dụng đất cho ở và nội dung này được xem xét điều chỉnh trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).
Về cơ chế, chính sách, tỉnh sẽ tích hợp nội dung quản lý chất thải rắn tỉnh Bến Tre vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện; trong đó bổ sung mạng lưới các trạm trung chuyển rác. Điều chỉnh giá dịch vụ phù hợp theo điều kiện thực tế, từng bước có lộ trình tiến đến mức thu đủ chi cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng định mức giá cho đơn vị tiếp nhận xử lý rác thải, điều kiện tiêu chuẩn công nghệ, chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư. Xây dựng quy định (hoặc hướng dẫn) phân loại rác tại nguồn; sổ tay hướng dẫn quản lý rác thải.