Lỗ hổng trong quản lý chất thải ở Mỹ: Để phân len lỏi vào chuỗi thức ăn

07/10/2019 16:19 Tác động môi trường
Tại Mỹ, sau khi được xử lý qua loa, chất thải được sử dụng như phân bón, tưới lên đất nông nghiệp, vườn cây... Trong đó còn chứa lượng lớn các chất hoá học độc hại, kim loại nặng, có khả năng gây ung thư và nhiều bệnh khác. 
Chất thải chăn nuôi là tài nguyên mang lại từ 15-20 nghìn tỉ/năm Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm về xử lý chất thải đô thị với Hà Nội Bộ Y tế quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành

Một số thống kê cho thấy, mỗi ngày, các nhà vệ sinh, bệnh viện, nhà máy xử lý chất thải ở Mỹ xả ra môi khoảng 136 triệu kg phân. Đối với nhiều nhà môi trường học, thứ bùn thải này là "chất nhân tạo ô nhiễm nhất trên Trái đất".

Do chi phí xử lý, chôn lấp quá tốn kém, ngành quản lý chất thải đang "cải tiến" thứ bùn thải này thành phân bón (biosolids), mở đường cho chúng len lỏi vào chuỗi thức ăn quốc gia.

lo hong trong quan ly chat thai my de phan len loi vao chuoi thuc an
Bùn thải đang đuọc hong khô tại một nhà máy xử lý chất thải. Ảnh: AP.

Loại phân bón đến từ chất thải này đang được cho là thủ phạm gây ra các vấn đề về sức khoẻ trong cộng đồng, làm ô nhiễm nguồn nước uống, đồng ruộng, vật nuôi… khi được phát hiện có trong nhiều loại thực phẩm, dược phẩm, vải, thuốc tẩy gây bệnh thận, ung thư,…

Trước tình hình trên, nhiều nhà môi trường học và nông dân kêu gọi đình chỉ phương pháp tận dụng chất thải này. Năm 2019, khoảng 60% bùn thải được dùng để phun lên đất nông nghiệp, vườn cây, sân trường, bãi cỏ… Trong đó được cho là có chứa chất nitơ, phốt pho và một số chất dinh dưỡng có lợi cho cây khác, nên ngành quản lý chất thải thường chỉ xử lý qua loa rồi bán ra ngoài thị trường với giá thấp. Nhiều người nông dân còn coi đây là sản phẩm phân bón tiết kiệm chi phí.

Trên thực tế, loại phân bón này không chỉ chứa khoáng chất mà còn có khoảng hơn 80.000 loại hoá chất khác đến từ chất thải công nghiệp, hệ thống thoát nước bệnh viện, sinh hoạt... Chúng có thể chứa hormone có hại (kích thích tố), mầm bệnh, vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh, ký sinh, các kim loại nặng như chì, thuỷ ngân,…

Ông David Lewis - một nhà khoa học của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) phản đối cách xử lý chất thải này cho rằng: “Chúng ta chi hàng tỉ USD để cố gắng xử lý nước cho sạch, rồi lại rải chất thải độc hại lên khắp các mảnh đất là hành động khác thường".

Trước đây, các nhà máy xử lý chất thải thường đốt hoặc xả bùn thải ra biển, nhưng những phương thức này đã bị chính phủ liên bang cấm vì đã góp phần tạo ra các vùng biển chết. Vậy mà giờ họ lại khẳng định việc phun thứ bùn đó lên đất là an toàn.

Theo nhà hoạt động vì môi trường Nancy Raine, có rất ít thử nghiệm hay quy định rõ ràng xung quanh việc tận dụng bùn thải này; không ai biết trong đó có những chất hoá học đáng sợ nào.

Trước đây, EPA từng tiến hành một số thử nghiệm sinh học, xác định được hơn 350 chất gây ô nhiễm; bao gồm 61 chất được gắn nhãn “gây ô nhiễm nghiêm trọng, nguy hiểm hoặc đặc biệt nguy hiểm”. Nhưng pháp luật chỉ yêu cầu loại bỏ 9 chất trong số đó. Hơn nữa, theo ước tính còn tới 80.000 hoá chất nhân tạo khác chưa được phân tích và kiểm nghiệm.

Trong một báo cáo được công bố vào năm 2018, Văn phòng Tổng thanh tra EPA từng thừa nhận không thể điều tiết chính xác các chất trong bùn thải vì "thiếu dữ liệu, thiếu công cụ đánh giá rủi ro". Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những rủi ro là có thật.

Một nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho biết, khoảng 75% những người sống gần các trang trại sử dụng phân bón từ chất rắn sinh học gặp các vấn đề về sức khoẻ như bỏng mắt, buồn nôn, nôn mửa, nổi mẩn đỏ…; đáng chú ý là nhiễm siêu vi khuẩn MRSA kháng penicillin.

Ở Nam Carolina và Georigia (Mỹ), đất nông nghiệp được bón bằng bùn thải chứa PCB (một chất gây ung thư) đã giết chết nhiều đàn bò. Biosolids còn được cho là một phần nguyên nhân gây lây lan hoa tảo độc ở Ngũ Đại Hồ Great Lakes (5 hồ lớn quanh biên giới Mỹ - Canada) và Florida. Các cơ sở xử lý biosolids cũng thường xuyên làm ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, bùn thải cũng góp phần gây ra khủng hoảng hợp chất PFAS tại các trang trại ở Maine, Michigan, Wiscosin, Alabama, Florida (Mỹ). Chất này được mệnh danh là “hoá chất vĩnh cửu”, gây ung thư, rối loạn tuyến giáp, rối loạn miễn dịch và chứng thiếu cân; được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm chống dính, chống nước như áo mưa, chỉ nha khoa, bao bì thực phẩm…

lo hong trong quan ly chat thai my de phan len loi vao chuoi thuc an
Một trang trại bò sữa ở Maine (Mỹ) buộc phải đóng cửa sau khi phát hiện PFAS trong sữa bò. Ảnh: AP.

Đầu năm 2019, 44 cánh đồng bón biosolids đã được kiểm tra và phát hiện chứa lượng PFAS báo động. Người ta còn phát hiện PFAS trong sữa bò, máu của gia súc và nông dân. Sau đó, một trang trại bò sữa đã buộc phải đóng cửa.

Bà Laura Orlando - Kỹ sư dân dụng về sinh học cho biết: “Trong bùn thải có thể chứa đến hàng kg PFAS, trong khi chỉ một nanogram là đã có thể gây hại cho con người".

Biosolids cũng đang “hoành hành” tại nhiều vùng nông thôn khi gây ô nhiễm rừng đầu nguồn, ô nhiễm nguồn nước…

Ông Don Dickerson - một nông dân ở Michigan cho biết, chất thải rắn sinh học này đến từ các thành phố lớn và đang biến thị trấn của ông thành nơi chứa chất thải. "Họ đang cho phép kim loại nặng, PFAS, nhựa, hoá chất,… làm ô nhiễm đất. Cứ tiếp tục như vậy, việc đất chết chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn" - ông Dickerson nói.

Tuy nhiên, chính phủ tiểu bang hiện vẫn để chất rắn sinh học này lan rộng trên đất nông nghiệp hoặc trộn lẫn trong phân bón. Mới đây, một quan chức môi trường bang Michigan đã gây tranh cãi khi cho rằng, chính quyền không kiểm tra PFAS trong sữa vì không muốn cuộc sống của nông dân phải khốn đốn.

Trong khi đó, người phát ngôn của Cục Môi trường Michigan không trả lời rõ ràng về việc sử dụng chất rắn sinh học, mà chỉ cho biết tiểu bang đã tăng thử nghiệm PFAS. Theo nhiều nhà môi trường tại địa phương, tiểu bang hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn về PFAS nên việc quản lý rất khó khăn.

Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề, dù không có lệnh từ chính phủ, nhiều công ty thực phẩm lớn của Mỹ như Whole Food, Dole, Heinz và Del Monte đã từ chối mua nông sản được trồng trên đất chứa biosolids. Trong khi chính phủ Thuỵ Sĩ, Hà Lan và một số nước khác đã cấm hoàn toàn.

Vậy nhưng ngành công nghiệp quản lý chất thải Mỹ vẫn phủ nhận mạnh mẽ các vấn đề tồn tại và bật đèn xanh cho các sản phẩm phân bón chứa biosolids lưu thông trên thị trường. Trên bao bì của chúng không hề chỉ ra sự thật rằng trong đó có chứa thành phần của chất thải công nghiệp và con người.

Trước khi đóng gói, cách thức xử lý bùn thải phổ biến là hong khô, thanh trùng và ủ. Trong đó, vôi được sử dụng để tăng độ pH nhằm loại bỏ mùi hôi, một số mầm bệnh, virus... Tuy nhiên, không phải hoá chất độc hại hay loại vi khuẩn nào cũng có thể bị tiêu diệt bằng cách này. Nhất là khi các cơ quan chức năng đã “ngó lơ” hàng chục nghìn hoá chất khác có trong biosolids thay vì kiểm tra và tìm cách xử lý.

Diệu Anh
Theo The Guardian
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động