Bắc Ninh:

Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường hiệu quả

02/06/2020 16:39 Địa phương
Ngành Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 – 2025, tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân và sự vào cuộc tích cực của các hệ thống chính trị, từng bước có những thay đổi khả quan về môi trường sống và tăng cường công tác quản lý môi trường từ địa phương, cơ sở.
Bắc Ninh: Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách
nhieu hoat dong bao ve moi truong hieu qua
Nhà máy nước sạch cụm xã Cao Đức- Bình Dương (Gia Bình) hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2017.

Trong những năm qua, Sở Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức gần 100 lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân hóa học, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng...; tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và phát động phong trào chống rác thải nhựa; phối hợp tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động và vẽ tranh bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học. Các huyện, thị xã lựa chọn các điểm xây dựng lò đốt rác công suất nhỏ; tăng cường hiệu quả hoạt động của các lò đốt nhỏ hiện có bằng việc xử lý rác cho các địa phương lân cận; cơ bản các điểm tập kết rác thải tại các địa phương đã áp dụng các biện pháp đánh đống, phun chế phẩm vi sinh để hạn chế phát tán mùi và dọn dẹp vệ sinh thường xuyên; triển khai mô hình phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại nguồn. Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng...

Bên cạnh đó, Sở tập trung phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường thông qua việc hoàn thành các đề án, dự án: Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, thực trạng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; lập bản đồ ô nhiễm đất; tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn giai đoạn 2016-2020; đánh giá sức chịu tải và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các thủy vực trên địa bàn tỉnh; lắp đặt trạm quan trắc nước mặt nước thải tự động liên tục tại 09/10 khu công nghiệp; 13 trạm quan trắc nước mặt và 17 trạm quan trắc môi trường không khí tự động trên địa bàn toàn tỉnh; giám sát vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua thiết bị GPS; hệ thống xử lý nước thải làng nghề giấy Phong khê. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, việc tiêu hủy phế phẩm, phế liệu; hướng dẫn các địa phương thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng 550 điểm tập kết rác thải nông thôn; đôn đốc UBND cấp huyện triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 03 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung và 10 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất nhỏ, đồng thời khởi công xây dựng và dự kiến năm 2021 đưa vào sử dụng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ; hỗ trọ 6.091 xe đẩy tay thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn; trình ban hành kế hoạch triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2022, thí điểm tại xã Bình Định, huyện Lương Tài và xã Liên Bão, huyện Tiên Du; triển khai mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; động viên, khuyến khích các hộ chăn nuôi trang trại thực hiện biện pháp xử lý chất thải thông qua xây dựng khoảng 22.000 bể bioga, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai phong trào thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng tại các huyện, thị xã, thành phố.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, 100% chất thải phát sinh từ các khu công nghiệp được thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định (trung bình chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 1,3 tấn/ngày đêm; khối lượng chất thải y tế thông thường phát sinh khoảng 2,4 tấn/ngày đêm; nước thải y tế phát sinh khoảng 700m3/ngày đêm); 14/15 bệnh viện, cơ sở y tế công lập và 03 bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn môi trường, công suất từ 20-200m3/ngày đêm; có 13 cơ sở y tế được trang bị lò đốt với công suất thiết kế từ 20-25kg/giờ và 80-100kg/giờ. Tỉnh đã tiếp tục khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của nhân dân. Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị tại thành phố Bắc Ninh (công suất 28.000m3/ngày đêm) và tại thị xã Từ Sơn (công suất 33.000m3/ngày đêm); hệ thống xử lý nước thải làng nghề giấy Phong Khê giai đoạn I (công suất 5.000m3/ngày đêm); hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm (công suất 400m3/ngày đêm); đầu tư xây dựng 04 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 200m3/ngày đêm/mô hình xử lý.

Tuy nhiên, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường còn tiềm ẩn ở nhiều địa phương, nhất là các khu vực làng nghề, khu, cụm công nghiệp; công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường còn bị động, việc chủ động phát hiện các địa phương, cơ sở có ô nhiễm môi trường còn chưa cao.

Mục tiêu trong thời gian tới, ngành Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025, nhất là hoàn thành và đưa vào sử dụng các nhà máy đốt rác phát điện; tuyên truyền nhân cao nhận thức của cộng đồng dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh về pháp luật bảo vệ môi trường; nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; quản lý nghiêm ngặt xả chất thải phế thải; huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Phấn đấu, 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% chất thải rắn ở đô thị được thu gom; 100% chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất nguy hại và chất thải y tế được xử lý.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động