Những người chết mòn vì rác điện tử

12/12/2019 16:32 Tăng trưởng xanh
Giữa nhà máy chập choạng, vài phụ nữ cúi mình trên nền đất, nhặt nhạnh các cục pin, dây và bảng mạch, những tàn dư của thế giới hiện đại.
Đầu tư mô hình thu gom rác thải dựa vào cộng đồng

Họ dùng búa và tay không đập vỡ các thiết bị điện tử để thu nhặt những thứ có thể tận dụng. Số còn lại được chuyển tới những người đàn ông để họ xúc vào máy nghiền nhằm thu hồi kim loại. Sau khi máy vận hành, khói bốc lên lan khắp các ngôi làng và trang trại gần đó. Cư dân không biết trong khói có gì, chỉ cảm thấy mùi khó chịu khiến họ nôn nao.

Nhà máy này có tên New Sky Metal, đặt tại thôn Koh Khanun, tỉnh Chachoengsao, Thái Lan, là một mắt xích trong ngành công nghiệp tái chế rác điện tử đang phát triển khắp Đông Nam Á. Nhiều người đã nhìn ra cơ hội sau khi Trung Quốc "cấm cửa" loại rác này hồi năm 2018.

nhung nguoi chet mon vi rac dien tu
Các công nhân phân loại rác điện tử tại nhà máy New Sky Metal, tỉnh Chachoengsao, Thái Lan hồi tháng 9. Ảnh: NY Times.
Liên Hợp Quốc cho biết, mỗi năm có tới 50 triệu tấn rác điện tử được thải ra trên toàn cầu, do người tiêu dùng ngày càng có thói quen bỏ các mẫu cũ để mua sản phẩm mới. Trong thời gian dài, Trung Quốc đã tiếp nhận phần lớn rác điện tử của thế giới, nhưng gần đây quyết định ngừng nhập khẩu loại rác này do lo ngại về môi trường và sức khỏe người dân.

"Rác điện tử không bỗng nhiên mất đi, mà phải được đưa tới một nơi nào đó. Trung Quốc chỉ đơn giản là chuyển toàn bộ hoạt động của họ sang Đông Nam Á", Jim Puckett, giám đốc điều hành Mạng lưới Hành động Basel, tổ chức phi chính phủ Mỹ mở chiến dịch chống đưa rác tới những nước nghèo, cho biết. "Để kiếm lời, các ông chủ tập kết khối lượng rác lớn, sau đó tận dụng nguồn lao động giá rẻ bất hợp pháp để xử lý theo cách hủy diệt môi trường".

Bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động, Thái Lan đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tái chế rác điện tử tại khu vực, khi những nỗ lực của chính phủ nhằm cân bằng giữa an toàn của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp chưa được chú trọng.

Trong khi một số nước như Indonesia, Malaysia và Philippines mới chỉ từ chối những lô rác thải riêng lẻ từ phương Tây, Thái Lan là nước đầu tiên hành động một cách có hệ thống hơn trong việc đẩy lùi rác thải điện tử. Hồi tháng 6/2018, Bộ Công nghiệp Thái Lan ban lệnh cấm loại rác này. Cảnh sát sau đó tiến hành hàng loạt vụ đột kích tại ít nhất 10 nhà máy, trong đó có New Sky Metal.

"New Sky đã đóng cửa, hoàn toàn không còn hoạt động. Số rác điện tử đưa vào Thái Lan cũng trở về số không", Yutthana Poolpipat, người đứng đầu chi cục hải quan cảng Laem Chabang, tỉnh Chon, tuyên bố hồi tháng 9.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Koh Khanun gần đây, phóng viên NY Times nhận thấy New Sky Metal cùng nhiều nhà máy tái chế khác vẫn hoạt động. Cơ sở này chỉ bị phạt tối đa 650 USD cho mỗi vi phạm.

Nghiêm trọng hơn, sau khi lệnh cấm ban hành, 28 nhà máy mới, chủ yếu tái chế rác điện tử, vẫn đi vào hoạt động tại tỉnh Chachoengsao, theo thống kê của chính quyền địa phương. 14 doanh nghiệp của tỉnh này đã được cấp giấy phép xử lý rác điện tử trong năm nay. Chính quyền nhiều tỉnh khác cũng đang cấp phép cho các doanh nghiệp.

Giới chức Thái Lan cho biết một số lò đốt có thể vẫn hoạt động do nhà máy phải xử lý kho rác tích trữ từ lâu, hoặc đó là rác thải trong nước, không phải từ nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá không có lời giải thích nào hợp lý, bởi kho rác nhập khẩu không tồn tại lâu đến vậy, trong khi số rác điện tử trong nước không thể đủ để đáp ứng cho nhu cầu phế liệu của các nhà máy đang mọc lên.

Hồi tháng 10, chính quyền Thái Lan nới lỏng các quy định về lao động và môi trường cho tất cả nhà máy, trong đó có điều khoản không bắt buộc giám sát các công ty nhỏ về mức độ gây ô nhiễm. Trong khi đó, dự thảo luật nhằm tăng cường kiểm soát đối với rác điện tử vẫn bị trì hoãn.

"Với những quy định đó, Thái Lan đang cổ vũ cho hành động làm suy thoái môi trường. Có rất nhiều lỗ hổng và những mánh thoát tội", Somnuck Jongmeewasin, giảng viên về quản lý môi trường tại Đại học Quốc tế Silpakorn, cho hay.

Ngay cả khi hành vi sai phạm được thừa nhận, việc thực thi pháp luật vẫn không đến nơi đến chốn. Giới chức cho biết 2.900 tấn rác điện tử tịch thu trong các cuộc đột kích năm ngoái đã biến mất. Chúng được một quản lý người Trung Quốc tiếp quản, nhưng người này đã bí mật đào tẩu khỏi Thái Lan.

nhung nguoi chet mon vi rac dien tu
Các công nhân lấy đồng trong các đoạn dây tại một cơ sở ở ngoại ô Bangkok. Ảnh: NY Times.
Hậu quả để lại được đánh giá vô cùng khủng khiếp. Một số loại rác điện tử nếu không được đốt ở nhiệt độ đủ cao sẽ khiến dioxin, hợp chất có thể gây ung thư, xâm nhập vào nguồn thực phẩm. Việc thiếu những biện pháp bảo vệ thích hợp cũng sẽ làm các kim loại nặng độc hại thấm vào đất và nguồn nước ngầm.

Tình trạng này khiến nhiều cư dân địa phương trở nên phẫn nộ. "Tại sao mấy người ở phương Tây không tự tái chế rác của họ? Thái Lan không thể nhận thêm nữa. Chúng tôi không muốn trở thành bãi rác của thế giới", một nông dân tên Phayao Jaroonwong bày tỏ. Cây trồng của bà héo tàn sau khi một nhà máy xử lý rác điện tử dựng lên gần đó.

Nhà sư Phra Chayaphat Kuntaweera cho biết xung quanh ngôi chùa của ông ở tỉnh Chachoengsao có nhiều nhà máy tái chế rác và hai cơ sở khác đang tiếp tục được xây. Trụ trì này cho hay các nhà sư đầu tiên bị ho, sau đó nôn mửa. Cơn đau đầu của họ kéo đến mỗi khi các lò đốt hoạt động. "Nhà sư cũng là người. Đống khói đó khiến chúng tôi ốm yếu như bất kỳ ai khác", ông nói.

Hồi đầu năm, trụ trì quyết định treo biển bán ngôi chùa với giá rẻ, cho biết khói từ nhà máy đã khiến họ buộc phải đưa ra biện pháp tuyệt vọng này.

Những người dám lên tiếng chống lại hoạt động tái chế rác điện tử thậm chí đối mặt với nguy hiểm, như nhà hoạt động Sumate Rianpongnam. Hồi tháng 9, anh mở chiến dịch ngăn chặn ngành công nghiệp này do nó khiến quê nhà Kabinburi bị ô nhiễm.

Vào một đêm, nhóm người đi xe máy đột ngột xuất hiện gần nhà Sumate, bắn chỉ thiên rồi nhanh chóng chạy mất. Ngay sau đó, những người đàn ông trên một xe bán tải đã ném bom tự chế cỡ nhỏ vào nhà bạn của Sumate, nhưng người này không bị thương.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp khác không may mắn như vậy. Hồi năm 2013, một trưởng làng lên tiếng về lượng rác độc hại trái phép đã bị bắn 4 phát khi đi trên đường giữa ban ngày. Một quan chức địa phương bị kết án vì ra lệnh giết trưởng làng, nhưng được tha bổng hồi tháng 9.

Ngay cạnh nhà máy New Sky Metal, Metta Maihala đang kiểm tra đồn điền bạch đàn của cô. Hồ nước giúp tưới tiêu cho trang trại bốc mùi gây buồn nôn.

Hai công nhân người Myanmar, gồm một nam một nữ, sau đó bước ra giữa những hàng cây. Người đàn ông bị một số vết bỏng trên cánh tay do làm việc tại New Sky Metal, nhưng anh không biết nguyên nhân mình bị thương. Ei Thazin, người phụ nữ đi bên cạnh, cho biết cô nhận được 10 USD mỗi ngày để phân loại kim loại. "Tôi không biết đây là công việc nguy hiểm", cô nói.

Tại Thái Lan, hàng triệu công nhân nhập cư không giấy tờ từ những nước nghèo hơn như Myanmar hay Campuchia trở thành đối tượng dễ bị lạm dụng, các cơ quan giám sát môi trường cho hay, nói thêm rằng nhu cầu tìm kiếm những lao động như vậy sẽ ngày càng tăng.

"Chúng tôi không thể chọn không khí mình hít thở. Bây giờ các nhà máy thậm chí còn mọc lên nhiều hơn. Tất cả chúng tôi sẽ chết dần chết mòn", Metta nói.

Theo NY Times
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động