Phạt khách hàng nếu để tài xế Grab chờ quá 5 phút, ngược lại thì sao?
Chiều 3/10, Grab gửi thông báo trên ứng dụng đặt xe đến khách hàng về chính sách phí mới khi để tài xế chờ xe quá 5 phút.
Cụ thể, nếu khách hàng đặt xe qua ứng dụng của Grab mà không xuất hiện tại điểm đón như đã đặt trong vòng 5 phút từ khi tài xế đến điểm đón, tài xế sẽ được phép hủy chuyến và khách bị tính phí 10.000 đồng với dịch vụ GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar 7 và JustGrab. Mức phí này với khách hàng đặt GrabBike và GrabBike Premium là 3.000 đồng. Quy định áp dụng từ 10/10.
Khách hàng Grab sẽ ‘dính phạt’ nếu để tài xế chờ quá 5 phút. Ảnh minh họa |
Mức phí "phạt" này sẽ được trừ trực tiếp thông qua phương thức thanh toán khách lựa chọn. Nếu khách hàng sử dụng ví điện tử hoặc thẻ thanh toán quốc tế, hành khách có thể chọn thanh toán ngay hoặc thanh toán trong chuyến xe tiếp theo. Nếu thanh toán bằng tiền mặt, mức "phạt" này sẽ được cộng vào giá cước của chuyến đi tiếp theo.
Nếu không thanh toán phí trong chuyến đi kế tiếp, tài khoản hành khách sẽ bị vô hiệu hóa tính năng đặt xe trên ứng dụng Grab.
Grab cũng đưa ra lưu ý, trong trường hợp khách hàng chủ động liên hệ với tài xế để thỏa thuận, tài xế đồng ý chờ lâu hơn 5 phút và không hủy chuyến. Mức phí "phạt" vì để xe chờ quá 5 phút sẽ không áp dụng. Theo thông báo của Grab, 100% số tiền thu từ phí xe chờ quá 5 phút sẽ được chuyển cho tài xế để hỗ trợ chi phí di chuyển và thời gian chờ đợi khách hàng.
Tuy thông báo của Grab đưa ra khá đầy đủ về mặt thông tin đối với chính sách của hãng xe này nhưng ở chiều ngược lại, rất nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng. "Khách hàng để tài xế đợi thì bị phạt tiền, vậy nếu khách hàng phải đợi thì phạt ai" - anh Lê Hạnh, một khách hàng thường xuyên sử dụng taxiGrab cho hay.
Anh Hạnh nêu lên thực tế: "Rất nhiều lần anh phải đợi tài xế cả tiếng đồng hồ. Lý do là các tài xế này đã nhận đón khách sau đó không đến đón. Khi liên lạc với họ thì họ cứ bảo chờ. 10-15 phút sau gọi lại thì bảo anh hủy đi, em không đi nữa".
Điểm chung của các trường hợp này là các tài xế Grab không bao giờ chủ động hủy chuyến mà luôn yêu cầu khách hàng thực hiện "thao tác" này. Và nếu không hủy chuyến, khách hàng sẽ không thể tiếp tục đặt xe. Hệ quả là khách hàng luôn là người thiệt hại, sẽ bị tính tiền vào các chuyến sau nếu hủy chuyến.
Có thể thấy rõ, từ trước đến nay, Grab đều đưa ra các quy định "phạt" nếu khách hàng vi phạm nhưng chưa thấy hề "đả động" gì tới trường hợp khách hàng không được đáp ứng đầy đủ các quyền lợi. Có lẽ, với Grab, các "thượng đế" luôn là người sai trong mọi trường hợp?
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.