Tận dụng các cam kết về môi trường trong CPTPP, tạo nguồn lực vượt qua thách thức

12/10/2022 09:02 Nghiên cứu, trao đổi
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, so với các FTA truyền thống và kể cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) các cam kết về môi trường trong CPTPP cao hơn cả về tính phức tạp và mức độ cam kết, ràng buộc về môi trường. Các cam kết môi trường trong CPTPP mang tính chất bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua sử dụng công cụ về kinh tế.
Hiệp định thương mại tự do (FTA): Khó khăn và thách thức về lĩnh vực môi trường Hiệp định thương mại tự do (FTA): Khó khăn và thách thức về lĩnh vực môi trường
Hiệp định EVFTA: Năm nhóm cam kết và nghĩa vụ về môi trường Hiệp định EVFTA: Năm nhóm cam kết và nghĩa vụ về môi trường
Tận dụng các cam kết về môi trường trong CPTPP, tạo nguồn lực vượt qua thách thức
Năm 2015, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc quá trình đàm phán nhưng không thể có hiệu lực do năm 2017, Chính quyền Mỹ tuyên bố không tham gia. Trong bối cảnh đó, sau nhiều nỗ lực, ngày 9-3-2018, 11 quốc gia thành viên còn lại đã cùng ký kết CPTPP tại Chi-lê.

Hiện nay, CPTPP là văn kiện thương mại có hiệu lực với khoảng 500 triệu dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với giá trị đóng góp khoảng 14% GDP của thế giới và khoảng 15% thương mại toàn cầu. Mục tiêu chính của CPTPP là tăng cường hợp tác kinh tế cũng như các chính sách, quy định thương mại giữa các quốc gia, thông qua đó tiến tới xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu giữa các nước thành viên, nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội.

Quyền về môi trường

Trong khuôn khổ của CPTPP, 11 thành viên cam kết thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường và không làm suy giảm hệ thống pháp luật của các quốc gia về môi trường nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư. Cụ thể, Chương 20 của CPTPP đưa ra các quy định về thúc đẩy thương mại, bảo vệ môi trường và thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường. Các nội dung cam kết môi trường chính trong CPTPP bao gồm:

Chính sách và pháp luật trong nước về môi trường bao gồm: (1) Mỗi nước thành viên CPTPP phải đảm bảo đầy đủ hệ thống luật pháp và chính sách về môi trường; khuyến khích việc bảo vệ môi trường ở mức cao và tiếp tục nâng cao các mức độ bảo vệ môi trường; và (2) Các nước thành viên CPTPP phải thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật về môi trường của mình mà không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên CPTPP. Đồng thời, không được phép bỏ qua hay giảm nhẹ hiệu lực pháp lý các quy định môi trường nhằm khuyến khích thương mại hay đầu tư giữa các nước thành viên CPTPP.

Các cam kết quốc tế về môi trường bao gồm: Nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 03 điều ước quốc tế về môi trường là Nghị định thư MONTREAL về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước MARPOL) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước CITES).

Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả thực hiện: Các nước thành viên CPTPP công khai thông tin, tăng cường sự tham gia và giám sát của công chúng trong quá trình thực thi. Ngoài ra, khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân (doanh nghiệp) trong việc bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại

Thứ nhất, các quốc gia thành viên thừa nhận tầm quan trọng của thương mại, chính sách và thực tiễn môi trường có tính hỗ trợ lẫn nhau để cải thiện việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Cam kết nhấn mạnh đến khía cạnh hỗ trợ lẫn nhau giữa thương mại và chính sách, thực tiễn môi trường trong mỗi quốc gia thành viên và giữa các quốc gia thành viên với nhau. Cam kết này được hiểu là phát triển thương mại phải giúp cải thiện bảo vệ môi trường và việc bảo vệ môi trường không trở thành rào cản trá hình cho hoạt động thương mại, đầu tư.

Thứ hai, các Bên thừa nhận chủ quyền của mỗi thành viên trong việc thiết lập mức độ riêng và những ưu tiên riêng cho việc bảo vệ môi trường trong nước cũng như trong việc thiết lập, thông qua hoặc sửa đổi các luật và chính sách môi trường của mình.

Quy định này trong CPTPP về cơ bản cũng giống như các cam kết trong khuôn khổ WTO. Điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở mỗi quốc gia thành viên rất khác nhau và nguy cơ môi trường do hoạt động đầu tư có thể gây ra rất khác nhau. Chính vì vậy, CPTPP đã chấp nhận việc mỗi thành viên có những cấp độ và ưu tiên riêng trong bảo vệ môi trường mà không áp đặt những cấp độ chung. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì sự cân bằng nhất định giữa thương mại, đầu tư và bảo vệ môi trường ở mỗi quốc gia. Trong thực tiễn thương mại và đầu tư quốc tế, việc các nhà đầu tư ép chính quyền sở tại giảm nhẹ các đòi hỏi về bảo vệ môi trường cũng đã diễn ra ở nhiều nơi. Có thể thấy, quy định này của CPTPP hướng tới việc tôn trọng chủ quyền của mỗi thành viên trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo cơ hội cho các quốc gia, nhất là các quốc gia thành viên là nước đang phát triển tránh được những áp lực của nhà đầu tư. Theo hướng này, CPTPP còn quy định mỗi thành viên cần cố gắng bảo đảm rằng pháp luật và chính sách môi trường của mình quy định và khuyến khích bảo vệ môi trường mức độ cao và tiếp tục cải thiện mức độ bảo vệ môi trường của mình.

Thứ ba, CPTPP không cho phép bất cứ thành viên nào lảng tránh hay kéo dài việc thực thi hiệu quả pháp luật môi trường hay tái diễn tình trạng này bằng hành động hoặc không hành động ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các Bên, kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Bên đó. Quy định này của CPTPP khác với các quy định của WTO về thương mại và môi trường. CPTPP hướng nhiều đến các tác động của thương mại đối với môi trường trong khi WTO đưa ra các nguyên tắc nhằm hạn chế việc sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường để tạo ra các rào cản thương mại. Các quy tắc của WTO liên quan đến khía cạnh thương mại trong môi trường có mặt gần như trong hầu hết các hiệp định nền tảng như GATT, GATS, TBT, SPS, TRIPS, ASCM, AoA…

Cụ thể và trực tiếp hơn, các quy tắc của WTO về khía cạnh môi trường trong thương mại được thể hiện trong Quyết định của Hội nghị bộ trưởng về thương mại và môi trường. Quyết định về thương mại dịch vụ và môi trường, CPTPP nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các hành viên trong việc xây dựng và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ở mức độ cao. Điều này cho thấy CPTPP quan tâm đặc biệt đến khía cạnh môi trường trong thương mại. Cũng nhằm mục đích này, CPTPP quy định rằng các thành viên thừa nhận rằng không thích hợp để khuyến khích thương mại hoặc đầu tư bằng việc làm suy yếu hoặc làm giảm sự bảo vệ mà luật môi trường của mình quy định. Các thành viên của CPTPP không được khước từ hoặc có hành động giảm hiệu lực của pháp luật môi trường theo cách làm suy yếu hoặc làm giảm sự bảo vệ được quy định trong đó nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư giữa các thành viên. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các thành viên thực hiện cam kết này, CPTPP cho phép mỗi thành viên quyền định đoạt và quyết định các biện pháp điều tra, truy tố, các biện pháp cưỡng chế cũng như dành các nguồn lực cho các luật môi trường khác mà ở đó có mức độ bảo vệ môi trường cao hơn. Đây là quy định có ý nghĩa đối với các thành viên khi CPTPP không thể ấn định đầy đủ luật môi trường của mỗi quốc gia được viện dẫn như nguồn luật môi trường theo Hiệp định.

Thứ tư, CPTPP cho phép các thành viên bảo lưu quyền tự định đoạt và đưa ra quyết định liên quan đến việc điều tra, truy tố, quản lý và tuân thủ pháp luật môi trường; phân bổ nguồn lực thực thi các văn bản pháp luật môi trường khác được xác định là có các ưu tiên môi trường cao hơn. Khi thực hiện quyền tự quyết trong việc thực thi pháp luật môi trường, các thành viên được coi là tuân thu khoản 4 việc hành động hoặc không hành động thể hiện việc áp dụng hợp lý quyền tự định đoạt, hoặc là kết quả của một quyết định về phân bổ các nguồn lực phù hợp với các ưu tiên thi hành pháp luật môi trường của mình. Cam kết này cho thấy mức độ quan tâm rất cao của CPTPP đến bảo vệ môi trường. So với các cam kết chung thể hiện mong muốn cao hơn của các Bên trong việc thúc đẩy tính tương hỗ giữa phát triển thương mại và bảo vệ môi trường.

Tác động của các cam đến vấn đề môi trường trong nước

CPTPP có khá nhiều quy định cụ thể nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường trong quá trình mở rộng thương mại và đầu tư giữa 11 quốc gia thành viên. Các biện pháp cụ thể được gắn với việc thực thi pháp luật môi trường mà CPTPP định nghĩa rất rõ, CPTPP đồng thời cũng chỉ rất rõ đạo luật nào của mỗi thành viên được coi là luật môi trường theo Hiệp định này. Theo CPTPP, Luật môi trường là một đạo luật hay quy chế của một thành viên hoặc những quy định trong đó, hoặc điều khoản trong đó, bao gồm cả bất kỳ quy định nào về việc thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận môi trường đa phương, với mục đích chính là bảo vệ môi trường, hoặc ngăn ngừa nguy hiểm cho đời sống hoặc sức khỏe con người thông qua: (1) ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát việc xả thải hoặc phát thải chất gây ô nhiễm hay các chất hủy hoại môi trường; (2) kiểm soát hóa chất, các chất, vật liệu và chất thải nguy hiểm hay độc hại đối với môi trường cũng như việc phổ biến thông tin liên quan đến chúng; và (3) bảo vệ, bảo tồn động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm các loài, quần thể của chúng, đặc biệt là các khu bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, theo CPTPP, luật môi trường không bao gồm luật, quy chế hay quy định nào trong đó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và an toàn của người lao động, luật, quy chế hay bất cứ quy định nào trong đó mà mục đích cơ bản của chúng là quản lý hay khai thác truyền thống tài nguyên thiên nhiên.

Do các nội dung cam kết đi kèm với chế tài và cơ chế giải quyết tranh chấp, Hiệp định có những tác động lớn đối với môi trường Việt Nam. Tác động tích cực là các điều khoản thỏa thuận trong CPTPP ở mức độ cao sẽ giúp bảo vệ môi trường Việt Nam thông qua việc yêu cầu các bên liên đới tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường và dùng những thỏa thuận này để giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó, khi các nội dung/chủ đề liên quan đến “môi trường” được đưa vào thành những cam kết cụ thể sẽ giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam cùng cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải các nguồn ô nhiễm ra môi trường đồng thời ý thức được sự cần thiết phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường đưa ra đối với việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp bởi nếu không tuân thủ hoặc không chấp nhận các yêu cầu đặt ra thì sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp vi phạm sẽ bị kiện và đưa ra trọng tài quốc tế.

Tuy nhiên, các yêu cầu, đòi hỏi của CPTPP cao hơn so với các FTA truyền thống về sự minh bạch trong việc tuân thủ và thực hiện các vấn đề về môi trường như: công bố thông tin công khai minh bạch về chất thải; giải pháp bảo vệ môi trường; cơ quan đầu mối chuyên trách/cá nhân chuyên trách về môi trường tại các tổ chức, doanh nghiệp…cũng là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các cam kết về chính sách và pháp luật trong nước về môi trường cũng sẽ tạo ra thách thức khác với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam bởi hệ thống chính sách và pháp luật về môi trường của Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp tục được hoàn thiện, những khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực môi trường còn chưa đầy đủ và thậm chí còn chồng chéo trong một số lĩnh vực cụ thể, gây khó khăn cho việc thực thi các cam kết quốc tế; năng lực kinh nghiệm của một số cán bộ trong việc xử lý các vấn đề thương mại quốc tế có liên quan đến môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu…

NDT
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động