Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

26/06/2023 10:00 Quản lý nguồn thải
Ngày 19/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2130/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ tháng 7/2023 đến hết tháng 12/2023 đối với 67 đơn vị.

Với mục đích tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; đồng thời, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn; các giải pháp xử lý nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Vấn đề về kiểm soát công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản luôn cần được quan tâm thường xuyên

Nội dung kiểm tra, gồm: (i) Kiểm tra các hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường có liên quan như: báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, báo cáo công tác bảo vệ môi trường… (ii) Kiểm tra thực tế việc thực hiện các nội dung, các cam kết theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. (iii) Kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau kiểm tra của các cơ sở ban hành năm 2021, 2022; đảm bảo các kết luận, quyết định xử lý được thực hiện nghiêm, đúng quy định. (iv) Lấy mẫu nước thải sau xử lý, không khí xung quanh khu vực khai thác để đánh giá hiệu quả của các biện pháp xử lý chất thải của cơ sở khai thác khoáng sản được kiểm tra. (v) Kiến nghị các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo quy định. (vi) Lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra tại các cơ sở.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở khai thác, chế biến đá (đá vôi, đá spirit, đá bazan, đá sét) làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (dự kiến 67 cơ sở) với thời gian kiểm tra từ tháng 7/2023 đến hết tháng 12/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, công tác kiểm tra phải thực hiện khách quan, nghiêm túc, đúng nội dung, tiến độ theo kế hoạch; việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không trùng lắp, không gây khó khăn, phiền hà, làm cản trở hoạt động của cơ sở được kiểm tra,…ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Công Thương, Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, xây dựng đề cương báo cáo để các đơn vị kiểm tra chuẩn bị trước khi Đoàn kiểm tra đến làm việc, triển khai các hoạt động của Kế hoạch, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

Các Sở: Xây dựng, Công Thương, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm cử người tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch.

Việc tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng sẽ là tiền đề để kiểm soát tốt nhất những nguy cơ có thể gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước trên địa bàn tỉnh và cũng là dịp để cơ quan quản lý nhà nước phổ biến các quy định của pháp luật về môi trường đến với các doanh nghiệp, cá nhân một cách hiệu quả nhất./.

Ngọc Nha
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động