Thế giới cùng hành động vì khí hậu

30/09/2019 11:27 Tác động môi trường
Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc cùng hành động vì khí hậu vừa diễn ra tại New York (Mỹ), với sự tham gia của 65 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, đã đưa ra những tuyên bố, cam kết mạnh mẽ, hỗ trợ tài chính cho khí hậu.
ASEAN cam kết cùng thế giới chống biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu yêu cầu cần phải cắt giảm phát thải khí nhà kính 45% vào năm 2030; đồng thời kêu gọi tăng tài chính khí hậu bao gồm việc thực hiện cam kết đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm của các nước phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển vào năm 2020 và củng cố Quỹ Khí hậu Xanh.

Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, đến nay đã có 77 nước, 10 khu vực và 100 thành phố đưa ra cam kết phát thải bằng "0" vào năm 2050, đồng thời kêu gọi không xây dựng các nhà máy điện than mới từ năm 2020 trở đi.

Giáo hoàng Pope Francis kêu gọi loài người sống trung thực hơn, có trách nhiệm hơn và khuyến khích hành động vì khí hậu.

the gioi cung hanh dong vi khi hau
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ, đại diện một số nhóm nước đã đưa ra những tuyên bố, cam kết mạnh mẽ, hỗ trợ tài chính cho khí hậu.

Cụ thể, Thủ tướng New Zealand nêu chính sách cấm khai thác dầu, khí ngoài khơi và giảm phát thải từ nông nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ công bố kế hoạch chuyển đổi năng lượng trị giá 50 tỉ USD của Ấn Độ, bao gồm các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi sử dụng năng lượng hoá thạch sang năng lượng sinh học.

Thủ tướng Đức nêu kế hoạch biến Đức thành quốc gia phát thải bằng "0" vào 2050 và tuyên bố dành 55 tỉ Euro đầu tư cho công nghệ ít phát thải, thay đổi phương thức giao thông và lĩnh vực nhà ở. Phó Tổng thống Indonesia nhấn mạnh các biện pháp phục hồi suy thoái đất và bảo tồn rừng ngập mặn.

the gioi cung hanh dong vi khi hau
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Đại diện của Chủ tịch Trung quốc, ông Wang Yi nhấn mạnh cường độ phát thải của Trung Quốc đã giảm 45% và Trung Quốc đóng góp 1/4 tổng diện tích tái trồng rừng toàn cầu.

Thủ tướng Đan Mạch tuyên bố chính phủ đặt mục tiêu giảm 70% lượng phát thải vào 2030 so với mức năm 1990. Tổng thống Bồ Đào Nha công bố chính sách phát thải bằng "0" vào 2050, áp dụng thuế carbon và loại trừ nhiên liệu hoá thạch. Thủ tướng Singapore cam kết đóng góp 5 triệu USD cho Trung tâm Khí tượng đặc biệt của ASEAN.

Thủ tướng Ireland công bố loại trừ phát điện than vào 2025, tăng năng lượng tái tạo từ 30% lên 70% trong 10 năm tới, tăng thu từ thuế carbon, cấm phương tiện chạy xăng và diesel vào 2030. Phó Thủ tướng Nga công bố Nga đã phê chuẩn Thoả thuận Paris. Thủ tướng Bỉ nêu đề xuất của EU tăng chi tiêu cho biến đổi khí hậu lên 25% tổng ngân sách toàn khối.

Thủ tướng Hy Lạp công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện sử dụng than nâu vào 2028, loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần vào năm 2021.

Thủ tướng Thái Lan thay mặt ASEAN công bố kế hoạch của khối trong giảm mức tiêu thụ xăng trung bình cho các phương tiện giao thông hạng nhẹ; xây dựng các chính sách giảm mức tiêu thụ xăng và hướng tới xây dựng tiêu chuẩn ASEAN về mức tiêu thụ xăng. Thủ tướng Luxembourg công bố kế hoạch cung cấp giao thông công cộng miễn phí trên phạm vi quốc gia.

Tổng thống Hàn Quốc công bố kế hoạch tăng gấp đôi đóng góp cho Quỹ Khí hậu Xanh và tuyên bố chính phủ Hàn Quốc đã đóng cửa 4 nhà máy điện than và sẽ đóng tiếp 6 nhà máy nữa trước 2022.

Chủ tịch EU công bố Thoả thuận Xanh (European green deal) của EU sẽ sớm được thông qua và nhiều thành viên EU đã cam kết phát thải bằng "0" vào năm 2050.

Tổng thống Bolivia công bố kế hoạch quốc gia về rừng, tăng tiếp cận nguồn nước, năng lượng tái tạo và chất thải. Thủ tướng Ý công bố kế hoạch phát triển ít phát thải hướng tới phát thải bằng "0" năm 2050, cam kết xoá bỏ điện than vào 2050. Thủ tướng Anh cam kết sẽ đạt phát thải bằng "0" vào 2050, tăng gấp đôi hỗ trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu.

Kế hoạch tổng thể của ASEAN có hai mục tiêu là chuyển đổi năng lượng và giảm phụ thuộc vào xăng dầu. Các quốc gia trong khu vực đều đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm được việc sử dụng năng lượng theo hiệu suất. Mức độ sử dụng năng lượng của khu vực Đông Nam Á đã giảm 21,9% so với năm 2005.

Hiện nay, các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục tiết kiệm năng lượng và đạt mức giảm sử dụng năng lượng theo hiệu suất 30% vào năm 2025, trong khi tăng mức sử dụng năng lượng tái tạo lên 23% trong 6 năm tới. ASEAN cũng đang làm việc để giảm 26% mức sử dụng xăng của các xe cỡ nhỏ trong giai đoạn 2015-2025.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động