Trước một dòng sông

13/12/2021 15:09 Tác động môi trường
Về thăm quê, tiết trời heo may cuối thu dường như một bàn tay vô hình làm lòng tôi trĩu lại; dòng sông Đáy quê tôi tuy trẻ mãi không già nhưng đã khác nhiều so với ngày tôi còn bé, dòng sông xưa trong mát, êm đềm, quện vào tuổi thơ tôi như giá đỡ cho một tâm hồn khờ dại. Mượn ý thơ của một nhạc sỹ, dường như tôi cũng thấy một câu thơ ai để quên giữa dòng, có thể người con gái ấy đã để lại...
Trước một dòng sông
Tuổi thơ tôi là bao lần kỷ niệm với triền đê uốn lượn ven làng và những rong ruổi xuyên cánh đồng vào mùa Thu - Đông hẹn gặp, tôi lớn lên bằng những sản vật từ bãi bồi ven sông ấy..

Quê tôi giờ khác quá, chẳng khác mấy đô thị mới tại các địa phương mà tôi đã đi qua, nếu không có tuổi thơ gửi lại, chắc chắn rằng tôi không thể nhận ra một làng quê vốn rất đỗi mộc mạc, yên bình nay đã chuyển mình thành hiện đại, tấp nập, ồn ào; gắn liền với sự chuyển mình đó là các toà nhà cao tầng san sát, đâu đó lại có một vài điểm công nghiệp để tập trung sản xuất, màu xanh của bãi bờ nhường lại cho các ô đất quy hoạch, sông quê cũng thắt lòng mà nhỏ lại. Dù khác xưa thật nhiều nhưng không vui sao được khi cả đất nước đang hiện đại hoá toàn diện thì một vùng quê nhỏ của tôi không thể nằm ngoài vòng xoay ấy.

Nói là về quê nhưng người ở quê đã chuyển nhiều ra phố, trong ngõ không còn vườn vì đất được chia nhỏ để làm nhà ở, dường như khung cảnh mới này càng làm cho tôi thêm níu kéo những hoài niệm, những vu vơ từ ngày mới lớn. Với chúng tôi, trong suốt những ngày học cấp hai, con đê ven làng là thước đo lớn nhất gắn với những bàn chân lấm bùn khi trời mưa hay vàng ngoạch mỗi lúc đông về; giờ đây, con đê ấy đã được trải thảm nhựa, không còn cỏ may lất phất dọc triền đê và đặc biệt, bọn trẻ nhỏ cũng ít đi học trên con đê này.

Hồi đó, trong lớp tôi, đa số là bọn trẻ ở cùng làng nên “chân tơ, kẽ tóc” của đứa nào trong lớp đều rõ cả, mấy thằng con trai bọn tôi vốn đã học kém lại còn lười, chốn học thêm đi chơi vốn đã thành “nghề”, những lúc như thế bãi bồi ven sông Đáy là nơi lý tưởng để chúng tôi “trú ngụ”. Nhóm bọn tôi có một đặc biệt, đó là 4 cậu lười học lại chơi với 1 cô bạn gái học giỏi nhất lớp, cô “công chúa” thành thị này về đây học từ năm ngoái, cái gì Hà cũng hơn hẳn bọn trẻ chúng tôi nên trong mắt cả ngôi trường này cô ấy như là búp bê được trưng bày ngoài tủ kính. Thế là những cái thiếu thốn, chân chất ở quê lại càng tôn thêm vẻ đẹp và sự đầy đủ của Hà, trong lúc bọn tôi chỉ có đôi dép lê đi học, Hà đã được ăn diện với váy và nhưng đôi dày mới; trong lúc cả làng chưa có ti vi, gia đình Hà đã có ti vi màu và thêm cả xe máy. Bọn tôi nghe cái tên của nó thật mĩ miều, Thanh Hà, còn bọn con gái trong làng thì đều bắt đầu tên đệm bằng “thị” nọ, “thị” kia. Có thể vì bọn tôi thân với nó nên không để ý, sau này nghe bọn cùng làng kể mới biết, hồi đó được vào nhà nó chơi cũng là một niềm tự hào lớn, hay cái tên của nó cũng có giai thoại chứ không phải đơn thuần như tên chúng tôi.

Chúng tôi lên học cấp ba, cùng trường nhưng mỗi đứa học một khối, vẻ thiếu nữ của Thanh Hà ngày càng hiện hữu rõ nét và phảng phất như con đường hoa nói liền làng tôi với phố. Thanh Hà vẫn tiếp tục là ngôi sao lớn của trường, nó không chỉ xinh mà còn rất giỏi, giỏi đến mức thi đạt cấp quốc gia lớp 11 trong khi nó học lớp 10. Thầy giáo dạy Văn lớp tôi lúc nào cũng ca tục Thanh Hà, ý như muốn khai sáng tri thức và giác ngộ sự học cho bọn con trai lớp tôi; thầy nói cứ như là bạn thân của gia đình nhà Hà, nào là truyền thống gia đình, nào là ý trí, nào là người có ích; đặc biệt thầy khen mắt nó đẹp, trong khi nó “hơi cận”, thầy bảo trong đó là nghị lực, tâm huyết và cả một sự chịu đựng lớn lao; nói thật, đến giờ tôi vẫn còn lơ mơ chưa hiểu hết ý thầy. Đặc biệt hơn, trong một lần sinh hoạt lớp cuối tuần, cả lớp tôi được dành nguyên buổi để nghe thành tích của Thanh Hà cứ như dựng lên một tấm gương bắt chúng tôi soi kỹ và cố gắng làm theo; tôi nhớ buổi sinh hoạt đó không chỉ vì cực hình phải nghe mà vì lần đầu tôi thấy nó “xinh thật”.

Học hết cấp ba, Thanh Hà đi du học nước ngoài, bọn tôi học ở trong nước, duyên lạ thế nào tôi lại làm giáo viên, giáo viên dạy trung học trên chính ngôi trường tôi học năm xưa. Thầy giáo dạy văn ngày trước nay đã về hưu, thầy vẫn nhận ra chúng tôi, thăm thầy mà thầy toàn nói chuyện về Hà, đến hôm đó tôi mới có thêm thông tin về cô ấy; thầy vẫn khen Hà, đầu tiên là giỏi, là xinh nhưng thầy lại buột miệng, có thể số nó sẽ khổ; và hôm đó, tôi mới biết cái tên Thanh Hà gắn liền với kỷ niệm về một “dòng sông xanh” thuần khiết và êm đềm, gia đình Hà gửi gắm cái thanh tao, nhã nhặn, hy vọng con gái mình luôn xinh đẹp, rạng rỡ và hoà đồng với mọi người.

Công tác trong ngành giáo dục được một thời gian, tôi chuyển sang nghề “viết”, trong một lần tham dự sự kiện về môi trường tôi tình cờ gặp lại Hà, cô ấy là đại diện của Việt Nam tham gia chuỗi đàm phán về hội nhập kinh tế quốc tế trong đó chuyên sâu về môi trường. Sau bao năm không gặp, Hà ít nói hơn xưa, nghe đâu đang làm “sếp” tại một đơn vị ngành ngoại giao, ít bữa nữa Hà sẽ nhận nhiệm vụ mới tại nước ngoài.

Lần này về quê, tôi sang thăm bố, mẹ Hà, có thể gia đình nhà Hà là duy nhất còn giữ được nếp nhà cũ, nói là thăm các cụ, thực chất là tôi đang đi tìm hồi ức về Hà; “mặc dù nó rất thành công nhưng hơi chuân chuyên cháu ah, con bé nghị lực và cứng đầu, bao sầu não, buồn lo nó tự giữ và nó muốn tự tiêu tan…” tâm sự có vẻ buồn của mẹ Hà, tôi nghe lúc được, lúc không, bởi tâm trí của tôi đang lơ đãng cho những bối cảnh vui chơi những chiều tan học…có Hà.

Không biết có phải do nghiệp viết vận vào mình hay do tôi đang lãng đãng với những hồi ức về tuổi thơ, đứng trước dòng sông, tôi nhớ đến một tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhưng tôi không thể “hỏi sông sâu, một câu hỏi sóng oà” và tôi cứ lẩm bẩm luyến tiếc về một dòng sông xanh mát, êm đềm nay đã không còn nhưng lại có một dòng sông khác mang khát vọng, ý chí của Việt Nam vươn khơi xứng tầm quốc tế.

Pv
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động