Trường Đại học Điện lực: Nghiên cứu phát triển Khoa học, Công nghệ gắn liền với thực tiễn

02/07/2021 12:05 Tăng trưởng xanh
Trường Đại học Điện lực không chỉ đào tạo ra hàng vạn cán bộ, kỹ thuật có năng lực mà còn là đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

Bề dày truyền thống

Trường Đại học Điện lực là một trong những ngôi trường có lịch sử lâu đời tại Việt Nam, tiền thân là Trường Kỹ nghệ Thực hành được thành lập năm 1898, nggày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Đại học Điện lực trên cơ sở Trường Cao đẳng Điện lực. Ngày 24/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công thương ký quyết định số 10268/QĐ-BCT về việc điều chuyển Đại học Điện lực (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) về trực thuộc Bộ Công thương.

Hiện nay, Trường Đại học Điện lực là trường đại học công, đa ngành có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cung cấp cho ngành và phục vụ nhu cầu kinh tế, xã hội, đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của ngành điện nước nhà. Với định hướng xây dựng Đại học Điện lực thành trường đại học xuất sắc về nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Điện lực luôn đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm cho ra đời các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đặt ra.

Ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thì Trường Đại học Điện lực còn là một Trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của ngành điện lực. Với mảng đào tạo, trường hiện có 19 ngành đào tạo đại học đại trà (trong đó 11 ngành đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo), 8 chương trình đại học chất lượng cao, 7 ngành đào tạo tiến sĩ, 10 ngành đào tạo thạc sỹ với quy mô hơn 11.000 sinh viên.

Các lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của nhà trường bao gồm: Hệ thống kỹ thuật trong các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác thải); Trạm điện và đường dây truyền tải điện; Các bộ phận và hệ thống nhiệt - lạnh (lò hơi, lò quay, máy lạnh, tuabin nhiệt, bơm nhiệt, mạng nhiệt); Các hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ, giám sát và truyền tin trên diện rộng; các vấn đề liên quan đến cơ khí, chế tạo và xây dựng điện...

Trường Đại học Điện lực: Nghiên cứu phát triển Khoa học, Công nghệ gắn liền với thực tiễn
TS. Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực trao Bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu KHCN.

Với chủ trương gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn, trong những năm qua, Đại học Điện lực đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trường có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước, nhiều sản phẩm KHCN của nhà trường đã được ứng dụng trong thực tiễn.

Trường cũng đẩy mạnh mở rộng hợp tác với nhiều viện nghiên cứu khoa học, trường đại học và tổ chức quốc tế như: Viện Grenoble, Đại học Khoa học và Công nghệ (Pháp), Đại học Deakin, Đại học Curtin, Học viện Chisholm (Úc), Đại học Bách khoa Prague (Séc), Đại học Palermo (Ý), Đại học Fukui, Đại học Nagaoka (Nhật Bản), Đại học Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Bách khoa Quế Lâm, Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Thành Đô (Trung Quốc), UNITEN (Malaysia), Đại học Năng lượng Quốc gia Kazan (Nga), Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh (Vương quốc Anh)…Với những nỗ lực đó, năm 2019, Trường Đại học Điện lực đã lọt Top 30 trường đại học nghiên cứu tại Việt Nam và đặc biệt là dẫn đầu cả nước về chỉ số công bố bằng nội lực do hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam - University Performance Metrics (UPM) của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Tăng thực tiễn, nâng chất lượng

Tiến sĩ Trương Huy Hoàng - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, “hiện nay, nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận quốc tế; Đào tạo đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, quyết tâm xây dựng Trường Đại học Điện lực thành trường đại học hàng đầu trong nước về lĩnh vực năng lượng, đạt đẳng cấp khu vực vào năm 2030”.

Trường Đại học Điện lực: Nghiên cứu phát triển Khoa học, Công nghệ gắn liền với thực tiễn
Trường Đại học Điện lực ký kết hợp tác với Tập đoàn Công nghệ BKAV.

Để có được lợi thế trong đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo, gắn kết đào tạo với thực hành, Trường Đại học Điện lực đã không ngừng đổi mới trong chương trình giảng dạy, đào tạo giảng viên, hợp tác với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, Trường còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thường xuyên mời các chuyên gia của doanh nghiệp đến làm việc nhằm cung cấp thông tin, kỹ thuật mới nhất để nâng cao trình độ cho giảng viên và sinh viên.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Điện lực cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành điện lực để sinh viên tham gia thực tập ngay tại doanh nghiệp. Việc này đã giúp sinh viên nắm bắt được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Trường Đại học Điện lực đã mời được rất nhiều chuyên gia, các giáo sư có uy tín từ các trường quốc tế đến giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức quản lý, triển khai các hoạt động đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, Trường Đại học Điện lực đã xây dựng được đông đảo đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu với 4 Giáo sư, 26 Phó Giáo sư, 125 Tiến sĩ, và 246 Thạc sỹ, 100% giảng viên của Nhà trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo. Hiện nay, mỗi chuyên ngành đào tạo đều có đủ giảng viên có trình độ tiến sĩ chuyên ngành và trình độ thạc sỹ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, Nhà trường đã đầu tư xây dựng 106 phòng học lý thuyết với diện tích 14.629 m2 trong đó được trang bị đầy đủ các thiết bị như máy chiếu, âm thanh và 01 thư viện điện tử với trên 13.000 đầu sách và rất nhiều đầu sách sách điện tử đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của CB GV và HSSV.

"Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Điện lực luôn áp dụng cập nhật nâng cao nội dung lý thuyết gắn liền với thực hành. Quá trình đào tạo kết hợp thực hành kỹ năng, trao đổi chuyên môn giúp cơ sở sử dụng lao động tuyển dụng được lao động theo nhu cầu của mình".

Tiến sĩ Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực

Pv
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động