Xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt

20/08/2019 10:06 Quản lý nguồn thải
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở nước ta phát sinh trung bình khoảng 25,5 triệu tấn/năm.
Tổ chức Hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn" và Hội thảo khoa học “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt” Kiểm tra 51 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt lớn Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Trong đó, CTRSH khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom CTRSH khu đô thị đạt hơn 85%, khu vực nông thôn khoảng từ 45% đến 50%...

Về công nghệ xử lý CTRSH, chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh, ủ sinh học làm phân hữu cơ, hoặc đốt. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp chiếm đến 75% tổng lượng CTRSH phát sinh hằng năm. Ðáng lo ngại, hiện nay các bãi chôn lấp đã quá tải và một số bãi chôn lấp gây ô nhiễm, không hợp vệ sinh, tạm bợ, lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước, quá tải, không được che phủ bề mặt, không phun hóa chất khử mùi và diệt côn trùng…

xu ly hieu qua chat thai ran sinh hoat
Chất thải sau khi đốt tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Sơn - Hợp tác xã Thành Công.

Một số vùng nông thôn, thị xã, thị trấn đang áp dụng các mô hình lò đốt CTRSH không khí tự nhiên tuần hoàn thay cho phương pháp chôn lấp nhưng chưa có hệ thống xử lý khói hoặc có nhưng chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định cụ thể về quản lý, khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ dự án đầu tư xử lý CTRSH nhưng thực tế cho thấy, việc áp dụng các quy định tại một số địa phương còn nhiều bất cập dẫn đến việc phản đối của người dân tại địa điểm quy hoạch xử lý CTRSH. Phần lớn bãi chôn lấp ở các đô thị nhỏ thường không hợp vệ sinh, một số bãi rác tại nông thôn phát sinh tự phát không theo quy hoạch. Ngoài ra, hầu hết công nghệ xử lý CTRSH nhập khẩu không phù hợp thực tế; trong khi thiết bị, công nghệ trong nước chưa đồng bộ, mức độ tự động hóa chưa cao…

Trước thực trạng nêu trên, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2025, có 90% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; đưa tỷ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp chỉ còn tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ…

Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu đề ra, ngành Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu các công nghệ xử lý CTRSH phù hợp điều kiện Việt Nam nhằm tái sử dụng, tái chế, xử lý thu hồi năng lượng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chôn lấp. Các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành danh mục công nghệ xử lý CTRSH và tiêu chí để hướng dẫn các địa phương lựa chọn cho phù hợp. Các ngành và các địa phương cần sớm đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH gây ô nhiễm môi trường theo quy định…

Bên cạnh đó, điện rác đang là xu hướng công nghệ đáng chú ý hiện nay trên thế giới, do vậy Việt Nam cần tập trung nguồn lực đầu tư, hoặc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để phát triển công nghệ điện rác. Các tỉnh, thành phố cần khuyến khích, ưu tiên các nhà máy xử lý CTRSH tập trung, công nghệ hiện đại và công suất lớn, nhất là nhà máy ứng dụng công nghệ điện rác tiên tiến. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ, tạo khí bioga phát điện, chất đốt từ nguồn CTRSH tại địa phương và gia đình mình, nhằm hạn chế lượng CTRSH phát sinh phải thu gom tập trung.

Theo Nhân Dân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động