Yên Bái: "Mắt thần" góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

17/11/2019 13:41 Quản lý nguồn thải
Trước đây, tình trạng người dân tùy tiện xả rác thải tràn lan thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương của huyện vùng cao Lục Yên của tỉnh Yên Bái, nhưng đến nay nhờ giám sát bằng "mắt thần", tình hình đã được cải thiện rõ rệt.  
Khánh Hòa đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Không thể chờ ông trời! Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy
yen bai mat than gop phan nang cao y thuc bao ve moi truong
Nhiều vị trí được lắp đặt biển cảnh báo.

“Bức tử” dòng sông

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền các địa phương nơi đây đã có những giải pháp hữu hiệu, điển hình như lắp đặt hệ thống giám sát, nhờ đó tình trạng trên cơ bản đã được xử lý triệt để.

Cho đến tận hôm nay, ông Hoàng Anh Tuyên (ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng) và hàng trăm hộ dân ở thôn này cũng chưa thể quên được hình ảnh dòng suối chảy qua ngầm tràn tỉnh lộ 171 “đổi màu” gây ô nhiễm môi trường diễn ra cách đây mấy năm. Nước suối đã gần như bị ô nhiễm nặng, mùi hôi nồng nặc bốc lên khó chịu mỗi khi nắng nóng gay gắt.

“Trước đây, dòng suối này nó mang theo đủ thứ rác thải, từ túi nilon, vỏ chai nhựa, chai thủy tinh... Nhiều người còn mang cả xác động vật chết ném xuống suối. Người ta chỉ đi qua thôi cũng thấy mùi hôi thối rồi. Những ngày mưa lớn rác làm tắc cống, tắc dòng chảy, nước ngập lên cả đường. Như thế bảo sao mà nước suối sạch, trong được?” - ông Hoàng Anh Tuyên nói.

Ở khu vực ngầm tràn của thôn Xuân Yên (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên) cũng nằm trong tình trạng tương tự. Nơi đây từng là điểm “nóng” về tình trạng xả rác thải bừa bãi. Tình trạng trên không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm nguồn nước mà còn gây ngập úng ngầm tràn trên tỉnh lộ 171 khi có mưa lớn.

Mặc dù, chính quyền các địa phương cũng đã “ra rả” tuyên truyền, phổ biến, thậm chí là ký cam kết đến từng hộ gia đình song đâu lại vào đấy. Những người có ý thức thì chẳng nói làm gì vì họ chủ động thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định. Thế còn vẫn có những hộ gia đình thì cứ “hở” ra là xả thải ra sông, ra suối.

Giải pháp hữu hiệu

Trước tình trạng nhiều con suối trên địa bàn gần như bị “bức tử” vì các loại rác thải sinh hoạt do chính người dân xả ra, chính quyền các xã trên địa bàn huyện luôn đau đáu, trăn trở làm sao sớm tìm được “lời giải đáp”.

Song song với công tác tuyên truyền, các địa phương đã huy động các tổ chức đoàn thể, chính quyền cấp thôn, bản vào cuộc quyết liệt hơn bằng những giải pháp mạnh mẽ hơn. Điển hình như việc đầu tư nguồn kinh phí lắp đặt cameratại các điểm “nóng”, người dân thường xuyên đổ rác thải sinh hoạt bừa bãi để giám sát.

Khi phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm thì sẽ kiên quyết phạt tiền theo mức phạt được cộng đồng thống nhất. Số tiền xử phạt thu được sẽ dành cho hoạt động thu gom và xử lý rác.

Sau khi được lắp hệ thống camera giám sát, các thôn bản được hưởng lợi đã thành lập các tổ, đội tự quản. Các tổ, đội này hoạt động dựa trên quy chế xây dựng và được chính quyền thông qua. Họ trực tiếp theo dõi, giám sát tại khu vực được phân công quản lý.

Ông Phùng Trung Hải - Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng (Lục Yên) cho biết: “Ngoài việc phạt tiền người vi phạm, để mang tính giáo dục, tuyên truyền cho những người khác chúng tôi còn thông báo tên, tuổi, địa chỉ người vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Chính việc này có tác động hiệu quả hơn là phạt tiền”.

Song song với việc đầu tư lắp đặt camera giám sát, phạt tiền, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý ngay tại hộ gia đình được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.

Nhìn dòng suối chảy qua ngầm tràn tỉnh lộ 171, ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên nước trong xanh, không khí khu vực suối thoáng mát, trong lành, những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội chẳng ai nghĩ chỉ cách đây vài năm nó gần như bị “bức tử” bởi sự xuất hiện tràn ngập của các loại rác thải sinh hoạt. Những người dân sống quanh khu vực này hay chỉ đi qua cũng bị ám ảnh bởi sự ô nhiễm.

“Ngày xưa suối nó ô nhiễm như thế. Những giờ đây dòng nước mát đã trong xanh trở lại. Ở cái ngầm tràn tỉnh lộ 171 kia, cứ trưa năng nóng, rất nhiều người còn đến để hóng gió mát. Người dân trong thôn thấy rất vui và phấn khởi khi được trở lại với môi trường trong lành như trước” - ông Hoàng Anh Tuyên (ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng) tâm sự.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có hai địa điểm lắp đặt camera giám sát, theo dõi người dân vi phạm xả rác ở xã Yên Thắng và xã Minh Xuân. Ngoài ra, tại nhiều khu vực ngã ba, ngã tư ở thị trấn Yên Thế được đầu tư lắp hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự, từ đó cũng sẽ phát hiện và nhắc nhở, xử lý những trường hợp xả rác một cách bừa bãi.

Với cách làm hay, hiệu quả của chính quyền một số xã ở huyện vùng cao Lục Yên, Yên Bái đã nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong việc tập kết và xử lý rác theo đúng quy định. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường và để những con suối, những dòng sông trở lại trong xanh như nơi nó bắt đầu từ những cánh rừng già, khe núi đá.

Theo Báo GD&TĐ
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động