Bắc Kạn để rừng mãi thêm xanh

27/02/2024 05:53 Tăng trưởng xanh
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực phát huy lợi thế, tiềm năng đất lâm nghiệp để trồng rừng. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có có 271.804,94 ha rừng tự nhiên, 102.222,18 ha rừng trồng, độ che phủ rừng 73,38%, đã góp phần bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống.

Rừng của tỉnh Bắc Kạn có tính đa dạng sinh học cao, giàu tài nguyên, góp phần quan trọng trong việc điều hòa không khí. Đặc biệt 3 khu rừng đặc dụng là Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có hệ thống động, thực vật rất phong phú với nhiều loài quý hiếm. Không chỉ có giá trị sinh thái, cảnh quan cho phát triển du lịch, mà còn được coi là một trung tâm bảo tồn nguồn gen động, thực vật của vùng Đông Bắc. Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thất thế giới. Đây là Danh thắng Quốc gia nằm gọn trong vùng núi rừng của Vườn Quốc gia Ba Bể. Ngoài ra, Bắc Kạn còn là đầu nguồn của 3 con sông (là sông Cầu, sông Năng và sông Phó Đáy), cung cấp nguồn nước ngọt khổng lồ giúp duy trì hoạt động môi trường sống, hoạt động sản xuất công nghiệp cho các tỉnh lân cận và các tỉnh miền xuôi như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…

Bắc Kạn để rừng mãi thêm xanh

Bắc Kạn là tỉnh miền núi với 86% tổng diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp, do đó Lâm nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn các nhiệm kỳ từ năm 2010 đến nay luôn đề ra các mục tiêu phát triển rừng và kinh tế rừng đưa vào nghị quyết. Nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025 là “diện tích trồng rừng bình quân mỗi năm đạt 3.500 ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%”.

Tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện tốt những chính sách quản lý, bảo vệ rừng và chế độ đối với người quản lý rừng. Đối với rừng tự nhiên, người dân tham gia hoạt động bảo vệ rừng có được thu nhập từ nguồn kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên của Trung ương. Còn về rừng trồng, đây là một thế mạnh của tỉnh, đã trở thành phong trào phát triển kinh tế của người dân Bắc Kạn, việc trồng rừng sản xuất trên toàn tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Với diện tích rừng trồng hơn 100.000ha, sản lượng gỗ khai thác bình quân của Bắc Kạn những năm qua luôn đạt trên 300.000 mét khối/năm; tạo nguyên liệu gỗ cho khoảng 200 cơ sở chế biến lâm sản, với công suất chế biến đạt tới 148.000 mét khối/năm; sản lượng gỗ xuất khẩu trung bình trên 83.000 mét khối/năm, góp phần nâng giá trị gia tăng trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, diện tích rừng lớn cũng là cơ hội cho tỉnh Bắc Kạn phát triển cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng, trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng. Cũng đã hình thành và tạo nên các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hiện nay. Với hơn 70% người dân sinh sống có thu nhập từ việc trồng rừng và kinh tế khác từ rừng; ngành chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu cũng đóng vai trò chính của lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn những năm qua và chắc chắn là cả trong tương lai.

Để những cánh rừng mãi thêm xanh, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng; coi trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số. Chủ động thu hút các nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho người dân ở những khu vực có rừng, như du lịch sinh thái, trồng dược liệu dưới tán rừng… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tác động tiêu cực vào rừng là giải pháp trọng tâm, lâu dài của tỉnh.

Với hơn 100.000 ha diện tích rừng trồng hiện có, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu gỗ tập trung; chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng kinh doanh gỗ lớn; trồng cây bản địa, cây đa mục đích giá trị cao và từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng. Song song với đó là khuyến khích thu hút đầu tư hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ gỗ rừng trồng; tăng cường phát triển công nghiệp chế biến gỗ tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ, thiết bị đồng bộ để sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái dựa trên sự tập trung đầu tư các dự án bảo vệ phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Trọng tâm là Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách; chú trọng việc thu hút các nhà đầu tư có nhu cầu thuê rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng để thực hiện các dự án phát triển du lịch bền vững…

Chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được đánh giá rất tốt, môi trường nước đều nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, cường độ tiếng ồn và hàm lượng các chất gây ô nhiễm (CO, NO2, SO2, Bụi TSP) có ở môi trường không khí tại các vị trí quan trắc đều thấp hơn giá trị cho phép; tỉnh không có điểm nóng về ô nhiễm không khí; không có khu vực ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Bắc Kạn đang nằm trong 10 tỉnh có Chỉ số Xanh (PGI) cao nhất cả nước với 16,48 điểm, xếp hạng 7/63 tỉnh thành phố. Với những ưu thế trên, Bắc Kạn đang nghiên cứu lộ trình, kế hoạch thu hút đầu tư, đánh giá và thực hiện tín chỉ carbon. Khi tín chỉ carbon được giao dịch sẽ đem lại nguồn thu bổ sung bằng ngoại tệ cho việc bảo vệ và trồng rừng, tăng cường độ che phủ, bảo tồn và gìn giữ tài nguyên rừng; góp phần tăng ngân sách địa phương, tăng thu nhập của người trồng rừng và bảo vệ rừng.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Ly Sơn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động