Dự thảo Luật BVMT: Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải

29/04/2020 14:26 Quản lý nguồn thải
Nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phân nhóm các loại chất thải rắn (CTR), phân định các loại chất CTR phát sinh; bổ sung quy định cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, công nghệ xử lý chất thải…, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn....
Cuộc cách mạng trong công tác bảo vệ môi trường
du thao luat bvmt nang cao hieu qua quan ly chat thai
Người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014, chất thải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại (CTNH), CTR thông thường, CTR sinh hoạt, nước thải, bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ. Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nhất là đối với CTR sinh hoạt, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên. Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phân nhóm các loại CTR (CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; CTR công nghiệp thông thường), phân định các loại chất CTR phát sinh; bổ sung quy định cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, công nghệ xử lý chất thải… nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải xem chất thải là tài nguyên.Chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; quy định trách nhiệm của các Bộ trong hợp chuẩn, hợp quy việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất. Quy định rõ chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, phát sinh CTR công nghiệp thông thường; hộ gia đình và cá nhân phát sinh CTR sinh hoạt có trách nhiệm phân loại CTR tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Đối với CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, quy định phân định các loại chất CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo 04 loại để từ đó có các quy định cụ thể về quản lý CTR sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, khu vực nông thôn nhằm thúc đẩy việc phân loại, nâng cao hiệu quả tái chế, quản lý CTR, bao gồm: CTR có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh,...); chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác); chất thải cồng kềnh; CTR sinh hoạt thông thường khác. Mặt khác, dự thảo Luật cũng đã đưa ra quy định về trách nhiệm đóng góp một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt theo nguyên tắc dựa trên khối lượng phát sinh, đồng thời cũng thúc đẩy việc phân loại đối với các loại CTR có khả năng tái chế theo hướng nếu loại chất thải này được phân loại đúng quy định thì không phải nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Cùng với đó, trên cơ sở học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, dự thảo Luật cũng đã đưa ra các quy định bắt buộc nhằm thúc đẩy việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn như yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải mua túi, bao bì, thiết bị chứa đối với CTR sinh hoạt và quy định các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển có quyền từ chối việc thu gom, vận chuyển đối với các hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTR sinh hoạt.

Về công nghệ xử lý CTR sinh hoạt, để khắc phục tình trạng sử dụng công nghệ chôn lấp, không đảm bảo yêu cầu về BVMT trong xử lý CTR sinh hoạt như hiện nay, dự thảo Luật đã quy định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt phải được thẩm định, áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tốt nhất hiện có (BAT) và phải áp dụng các công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; không khuyến khích các công nghệ chôn lấp CTR sinh hoạt, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định. Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ TN&MT có trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt; công bố danh mục công nghệ xử lý CTR sinh hoạt khuyến khích áp dụng.

Đối với CTR công nghiệp thông thường, quy định rõ việc phân loại CTR công nghiệp thông thường bao gồm CTR thông thường phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt, văn phòng; sản xuất công nghiệp; sản xuất nông nghiệp; y tế; xây dựng và từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác. Dự thảo Luật đã quy định các tổ chức, cơ sở phát sinh CTR công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý; cơ quan, tổ chức hoặc cơ sở có phát sinh CTR công nghiệp thông thường với tổng khối lượng từ 300 kg/ngày trở xuống được lựa chọn hình thức quản lý CTR sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.

Đối với chất thải nhựa, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa đang bức xúc ở nước ta cũng như trên toàn cầu hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung, cụ thể hóa quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Theo đó, đã quy định các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải nhựa không được thải bỏ trực tiếp ra môi trường; có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy theo quy định; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Mặt khác, dự thảo Luật quy định Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; xây dựng cơ sở dữ liệu tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa quốc gia nhằm thúc đẩy thị trường tái chế, xử lý chất thải.

Đối với chất thải nguy hại, lồng ghép việc khai báo, đăng ký chủ nguồn thải trong nội dung giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; không cấp phép phương tiện vận chuyển; khuyến khích áp dụng BAT trong xử lý chất thải; hướng đến xử lý tập trung theo vùng, khu vực hoặc tỉnh; quy định rõ trường hợp đồng xử lý. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc quản lý CTNH phát sinh từ hoạt động sinh hoạt và CTR nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (pin, bóng đèn huỳnh quang thải, ắc quy chì thải,..) được quản lý như đối với CTR có khả năng tái chế. Việc vận chuyển CTNH đến cơ sở xử lý được thực hiện bởi các chủ nguồn thải hoặc các tổ chức có giấy phép môi trường phù hợp với loại chất thải cần xử lý.

Đối với nước thải, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư, dự án phát triển đô thị có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn; nước thải từ hộ gia đình và cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ ở đô thị và khu dân cư tập trung phải đầu tư, lắp đặt thiết bị xử lý tại chỗ theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng, đáp ứng yêu cầu BVMT của địa phương trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung, bảo đảm giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn, từng bước cải thiện môi trường nước sông nội đô của một số thành phố, đô thị lớn nhằm giảm tải, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt.

Dự thảo bổ sung quy định về kiểm toán môi trường đối với các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và BVMT của các đối tượng này. Dự thảo quy định Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích cơ sở tự thực hiện kiểm toán môi trường của đơn vị mình hoặc thuê đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động