Mỹ tung đòn thuế quan nhắm vào EU, báo hiệu chiến tranh thương mại mới?

03/10/2019 14:06 Tăng trưởng xanh
Ngày 2/10, trong một vụ kiện liên quan đến trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) cho nhà sản xuất máy bay Airbus, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với 7,5 tỉ USD hàng hoá của châu Âu từ ngày 18/10. Động thái này báo hiệu một cuộc chiến tranh thương mại mới, đe doạ nền kinh tế toàn cầu.
Thí điểm đấu giá nhập khẩu hạn ngạch thuế quan 98.700 tấn đường Các thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ Hàng không châu Á lao đao vì thương chiến Mỹ - Trung

Trước đó, vào tháng 5/2018, WTO đã kết luận 28 quốc gia EU trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus trong cuộc cạnh tranh với đối thủ Boeing của Mỹ. Tuy nhiên, phán quyết này đã không chấm dứt được tranh chấp kéo dài hơn chục năm.

Đến ngày 2/10 vừa qua, phía Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã "bật đèn xanh" cho Mỹ khi phán quyết nước này được áp dụng thuế quan để trả đũa, gây áp lực buộc EU phải giảm trợ cấp cho Airbus.

Tổng thống Donald Trump gọi phán quyết của WTO là một “chiến thắng lớn” đối với Mỹ. Tuy nhiên, động thái này cũng sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang khiến các doanh nghiệp chịu áp lực.

my tung don thue quan nham vao eu bao hieu chien tranh thuong mai moi
Đòn thuế quan báo hiệu chiến tranh thương mại mới sắp nổ ra giữa Mỹ và EU? Ảnh minh hoạ.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đưa ra danh sách hàng chục hàng hóa mà họ sẽ áp dụng thuế quan, bao gồm phomat, ô liu, rượu whisky, máy bay, máy bay trực thăng và các bộ phận máy bay… Tuy nhiên danh sách này có thể được hiệu chỉnh.

Máy bay của EU sẽ phải đối mặt với mức thuế 10% và các sản phẩm khác có mức thuế 25%. Quy định thuế mới có thể sẽ gây tác động đến cả nông nghiệp và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế châu Âu vào đúng thời điểm các cuộc chiến thuế quan khác đang làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, vốn đã lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu, nay lại càng thêm tổn thất trước tin tức thuế quan mới nhất của Mỹ và EU.

Quan chức thương mại hàng đầu của EU cho biết, muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ để tránh cuộc chiến thuế quan nhưng họ sẽ đáp trả nếu Tổng thống Trump áp đặt các mức thuế mới đối với các sản phẩm của EU.

Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho rằng, một cuộc chiến thuế quan sẽ chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và công dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương, gây tổn hại cho thương mại toàn cầu và ngành hàng không rộng lớn hơn vào thời điểm nhạy cảm. Việc Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp đối phó sẽ đẩy EU vào tình huống không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm tương tự.

Việc được WTO “bật đèn xanh” cũng có nghĩa một bản án theo luật quốc tế hiện đang đè nặng lên Airbus. Các nhà phân tích cho rằng, có ba khả năng: EU có thể chấm dứt các khoản trợ cấp vi phạm cho Airbus; quyết định áp thuế hoặc cố gắng đạt được thỏa thuận thương lượng với chính quyền Tổng thống Trump.

Với sự “nhiệt tình” của ông Trump đối với thuế quan, hiện vẫn chưa rõ chính quyền Mỹ thực sự muốn gì: Muốn thiết lập một cuộc đàm phán để có được một giải pháp hay đó chỉ là thuế quan đối đầu thuế quan?

Ông Trump từng khẳng định, hành động này là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, nhưng người châu Âu tuyên bố đó chỉ đơn giản là chủ nghĩa bảo hộ và phá vỡ các quy tắc thương mại toàn cầu. EU đã đưa ra mức thuế tái cân bằng đối với khoảng 2,8 tỷ euro (3 tỷ đôla) các sản phẩm thép, nông nghiệp và các sản phẩm khác của Mỹ. Tổng thống Trump cũng đã đe dọa sẽ áp thuế đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Việc sử dụng thuế quan của ông Trump, đặc biệt là đối với Trung Quốc - đã làm rung chuyển thị trường tài chính, thương mại toàn cầu và làm tổn thương các nhà sản xuất vì không chắc chắn về nơi mua vật tư, định vị nhà máy và bán sản phẩm của họ. Hôm 1/10, một chỉ số riêng về sản lượng sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Hiệu ứng thị trường có thể lớn hơn chỉ là tác động đến hàng xuất khẩu của châu Âu và khách hàng tại Mỹ. Viện Kinh tế quốc tế Peterson đã nghi ngờ về triển vọng của một thỏa thuận thương mại EU-Mỹ sẽ làm giảm căng thẳng và tránh thuế quan, ít nhất là trước năm 2020.

Diệu Anh
BBC
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động