Những vườn cam "nói không" với thuốc trừ sâu
HTX Ba Chữ: Cung ứng rau sạch, rau an toàn cho người tiêu dùng |
Ông Nguyễn Xuân Thê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh vui mừng cho biết: “Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn hộ mà những năm gần đây đời sống người dân đã thay đổi rõ rệt, nhiều hộ phất lên từ trồng cây ăn quả. Đặc biệt là cây cam, chanh đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương đi lên”.
Buông màn bảo vệ quả cam thay giải pháp phun thuốc được người dân áp dụng. |
Về vùng quê xã Đức Lĩnh của huyện Vũ Quang những ngày này, niềm phấn khởi ngập tràn trên những con đường làng, ngõ xóm. Đến hẹn lại lên, đây là thời điểm vào vụ thu hoạch mùa của người dân trồng cam, sự yên bình vốn có được thay bằng khung cảnh nhộn nhịp người ra vào, thương lái đã bắt đầu tìm đến.
Chúng tôi được dẫn tới tới thăm khu vườn rộng hơn 5 héc-ta ở thôn Thanh Bình, được thả hồn giữa đại ngàn với khung cảnh rừng cam tuyệt đẹp, trĩu quả như muốn níu chân khách lạ. Theo giới thiệu, ông Thê chính là một trong nhưng thành viên chủ nhân của khu vườn này. Ước tính với mức độ trĩu quả như hiện tại, nếu được giá thì vụ mùa năm nay với trên 1000 gốc cam chanh sẽ đến bạc tỉ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm người trồng cam nơi đây cho rằng, chỉ khi thấy được “tiền tươi, thóc thật” thì mới biết vụ mùa chắc thắng. Bởi lẽ, đây là thời điểm phải tập trung đầu tư nhiều công sức nhất để bảo vệ quả cam trước những loại côn trùng (ruồi vàng, bướm) luôn tìm cách tấn công. Nếu không có giải pháp bảo vệ thì cũng coi như vụ mùa công không.
Nghe qua mà lạ, nhưng với người dân ở Đức Lĩnh thì câu chuyện mắc màn, thắp đèn cho cam thì đã có từ khoảng ba năm nay. Đây là giải pháp mà người trồng lựa chọn để bảo vệ quả cam trong vòng bốn tháng cho đến khi thu hoạch, mặc dù có tốn kém nhưng lại rất an toàn. Thông thường người dân dùng thuốc để phun nhưng chỉ đạt hiệu quả trong thời gian ngắn, lại ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hệ lụy đến môi trường.
Soi đèn để bắt bướm hút cam- Một giải pháp đang được người trồng cam áp dụng. |
Anh Nguyễn Tiến Hoàng - một người trồng cam ở thôn Thanh Bình chia sẻ: “Nói không với thuốc bảo vệ thực vật sẽ là mục tiêu bảo vệ quả cam trước mùa thu hoạch mà chúng tôi đang hướng tới, nếu thực hiện được sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tìm được chổ đứng nhờ 'khát' sản phẩm sạch như hiện nay. Mặc dù thị trường tiêu thụ có chút khó khăn do diện tích trồng cam đang tăng lên chóng mặt, nhưng cam Đức Lĩnh vẫn giữ được uy tín, mấy năm nay đã theo chân con em xa quê ra Bắc vào Nam”.
Ông Nguyễn Xuân Tịnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đức Lĩnh chia sẻ: “Sáng kiến mắc màn, thắp đèn để bảo vệ quả cam trước mùa thu hoạch thực tế đã cho thấy hiệu quả, đang được người dân trên địa bàn áp dụng, nhận rộng. Cách làm này không chỉ là bảo vệ thành quả sản xuất mà còn góp phần tích cực hạn chế hóa chất, thuốc trừ sâu trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người, không gây hệ lụy đến môi trường”.
Thắp đèn một giải pháp để nhăn chặn sự hoạt động của côn trùng tấn công quả cam. |
Được biết, hiện nay toàn xã Đức Lĩnh có 887, 7 héc-ta diện tích cây có múi, cây cam chiếm 514,1 héc-ta. Trong đó, 350 héc-ta đã cho thu hoạch với sản lượng 4.200 tấn, nếu theo giá bình quân của thị trường năm 2018 (500 ngàn/kg) thì đây là một nguồn thu rất lớn. Các thôn có diện tích trồng cam nhiều và mang lại hiệu quả như: Thanh Bình, Bình Phong, Tân Hưng…
Phấn khởi trước thành quả của người dân, chị Nguyễn Thị Thắng - Cán bộ Nông nghiệp xã Đức Lĩnh cho biết thêm: “Nhờ phát huy được thế mạnh vườn đồi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ cây cam, có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên như: Hộ anh Nguyễn Công Thành, anh Nguyễn Trọng Hào, anh Nguyễn Tiến Hoàng ở thôn Thanh Bình; anh Nguyễn Xuân Hùng ở thôn Cao Phong…”.
Màn đêm buông xuống, với một xã mà đồi núi chiếm phần lớn diện tích nhưng cứ ngỡ như là phố. Phóng tầm mắt xa xa, ánh đèn điện lấp lánh phong tỏa cả ngọn đồi chẳng khác nào trung tâm phố thị. Đó là ánh sáng đang thức đêm cùng người dân bảo vệ thành quả của một năm lao động sản xuất đầy gian lao để có được quả ngọt. Hy vọng, đất sẽ không phụ lòng người!