Sở Công Thương Hà Nam tổ chức thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển Công nghiệp môi trường trên địa bàn

27/03/2023 09:00 Phát triển Công nghiệp môi trường
Đó là trách nhiệm của Sở Công Thương Hà Nam được UBND tỉnh Hà Nam giao trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh theo Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam, được ban hành mới đây.

Theo đó, ngày 24/3, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 19/2023/QĐ-UBND ban hành quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Với đối tượng áp dụng là Các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thi hành công vụ và những người có liên quan đến lĩnh vực quản lý, hoạt động bảo vệ môi trường; Các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài, hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Sở Công Thương Hà Nam tổ chức thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển Công nghiệp môi trường trên địa bàn
Tạo điều kiện để ngành công nghiệp môi trường phát triển là tiền đề để giải quyết những vấn đề trong kiểm soát môi trường.

Nguyên tắc về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam được xác định:

Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân;

Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển;

Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành;

Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải, đặc biệt là tái sử dụng rác thải nhựa;

Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

Bảo vệ môi trường gắn liền với bảo vệ lưu vực sông và bảo vệ môi trường liên vùng đảm bảo phát triển bền vững của các bên liên quan;

Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Với các nội dung chi tiết về việc: Đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; Bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ môi trường nước mặt; Quản lý, xử lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác; Bảo vệ môi trường đối với đô thị, nông thôn, làng nghề, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản; Quy định về nồng độ tối đa cho phép các chất ô nhiễm; quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, báo cáo môi trường; ứng khó với biến đổi khí hậu.

Trong công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường theo quy định; nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh;

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan giải quyết hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề môi trường liên vùng, liên ngành, liên huyện;

Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải, chất lượng môi trường; cải tạo và phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;…

Sở Công Thương: Tổ chức hực hiện quy hoạch và các chính sách phát triển công nghiệp môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng việc bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển lĩnh vực công thương;

Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp để tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc trách nhiệm quản lý;

Đẩy mạnh công tác quản lý hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, xăng dầu, khí hóa lỏng,...thuộc trách nhiệm quản lý gắn với công tác bảo vệ môi trường; Chủ trì, hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng;

Phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý hoạt động của các cụm công nghiệp; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ quản lý môi trường, phương án, giải pháp, biện pháp kỹ thuật để bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng Sở, ngành, UBND cấp huyện, xã; trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Trong quá trình thực hiện, tùy theo điều kiện thực tiễn hoặc có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về môi trường, Quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 04/4/2023./.

Trần Quang Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động