Thi công đường gần 30 tỷ ở xã Chính Lý: Xem nhẹ môi trường - coi thường nguy hiểm?

06/06/2022 12:16 Tác động môi trường
Ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa nhếch nhác đầy ao vũng, hố bẫy; đoạn đường thi công dài hàng trăm mét không cọc tiêu phản quang, không có dây phân làn cảnh báo nguy hiểm theo quy định; vật liệu thi công tập kết ngổn ngang trên đường,…đó là thực trạng gây bức xúc cho người dân đang diễn ra tại dự án đường nông thôn ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Thi công đường gần 30 tỷ ở xã Chính Lý: Xem nhẹ môi trường - coi thường nguy hiểm?
Những cái hố bẫy công trình nguy hiểm kéo dài hàng trăm mét tại thôn 5 xã Chính Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam)

Xem nhẹ bảo vệ môi trường và an toàn thi công!

Gần 03 tháng nay, cuộc sống của người dân các thôn 2, 3, 5,6 xã Chính Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) bị đảo lộn vì vấn đề môi trường và sự bất tiện do tình trạng đường xá bị đào xới ngổn ngang khi thi công tuyến đường liên xã tại địa phương.

Ngày nắng bụi bặm, tiếng ồn, ngày mưa lầy lội, ách tắc giao thông, nhà cửa bị ngăn cách với đường bởi tình trạng đào bới, thậm chí nhiều nhà phải dừng việc buôn bán, nhà cửa bị nứt... là những gì bà con phải gánh chịu trong 02 tháng qua bởi tình trạng thi công ồ ạt của nhà thầu, song họ “quên” các phương án đảm bảo môi trường, điều tiết giao thông cũng như các biện pháp đảo bảo an toàn khi thi công công trình theo quy định.

Có mặt tại tuyến đường liên xã đang thi công dở dang tại thôn 5 xã Chính Lý chúng tôi chứng kiến: Đơn vị thi công hệ thống cống rãnh đào những hố công trình sâu hơn 2m, kéo dài vài trăm mét nhưng không hề có rào chắn, cảnh bảo nguy hiểm.

Thi công đường gần 30 tỷ ở xã Chính Lý: Xem nhẹ môi trường - coi thường nguy hiểm?
Người dân thôn 5 xã Chính Lý cho biết: Có vẻ như đơn vị thi công chỉ biết việc họ, còn nguy hiểm, mất an toàn cho người khác thì họ không quan tâm.

Cũng tại thôn này có một đường máng thi công đã xong phần cơ bản sát ngay ven đường, tạo ra những hố công trình có độ sâu gần 3m, tuy nhiên chúng tôi thấy cũng không hề có một mét rào chắn hay cảnh báo nguy hiểm nào để cảnh báo nguy hiểm. Trong khi tuyến đường này hàng ngày có hàng trăm lượt học sinh tiểu học và trung học cơ sở địa phương đi học qua lại. Cá biệt tại thôn 5 có cả dãy nhà dân, khi họ bước ra cửa án ngữ ngay chân là hố công trình sâu hoắm, nếu đêm tối chỉ cần sơ sẩy là rất dễ gặp nạn.

Còn các đoạn đường khác thì những thanh sắt thép của công trình tại các hạng mục đang thi công nhìn lởm chởm như chông dọc ven đường, nếu không may người qua lại trượt chân sa xuống hố thì hậu quả thật khó lường.

Ông Trần Văn Bằng, người dân thôn 5 xã Chính Lý bức xúc: “Kể từ ngày khởi công xây dựng (khoảng đầu tháng 3/2022) đến nay, chúng tôi luôn phải sống chung với ồn ào, bụi bặm, nguy hiểm. Bên cạnh đó, vật liệu công trình của đơn vị thi công đổ bừa bãi ra đường gây cản trở lối đi lại của người dân, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại, họ đào bới tung lên khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn.

Thi công đường gần 30 tỷ ở xã Chính Lý: Xem nhẹ môi trường - coi thường nguy hiểm?
Một công trường thi công lộn xộn, ngổn ngang, mất an toàn tại thôn 6 xã Chính Lý khiến người dân địa phương bức xúc.

“Nhà tôi có mấy cháu nhỏ, đơn vị thi công đào hố công trình sát ngay cửa nhà mà không có rào chắn phòng nguy hiểm khiến gia đình rất bất an, tôi thường xuyên phải ở trong nhà coi chừng lũ trẻ. Có vẻ như họ (đơn vị thi công) chỉ biết việc họ, còn nguy hiểm, mất an toàn cho người khác thì họ không quan tâm” – Bà Nguyễn Thị Thương, 65 tuổi, nhà ở thôn 6 xã Chính Lý nói.

Không chỉ tiềm ẩn mất an toàn, tình trạng thi công công trình còn có dấu hiệu xem nhẹ cả vấn đề môi trường. Thị sát các trục đường qua thôn 6 và thôn 5, thôn 3 của Chính Lý chúng tôi ghi nhận việc thi công gây ra nhiều hệ lụy môi trường. Thậm chí khi làm đường, đơn vị thi công còn không ngần ngại múc cả bùn thải ô nhiễm đổ ngay trước cửa hàng cắt may của người dân.

“Ở xã chúng tôi bình quân mỗi thôn có khoảng 1000 dân, trong khi việc thi công tuyến đường chạy qua nhiều thôn của xã Chính Lý như thôn 2, 3, 5, 6…cho nên việc đơn vị thi công xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn rất ảnh hưởng và khiến người dân chúng tôi sinh sống dọc các tuyến đường vô cùng bất an..” – Chị Nguyễn Thị Thu, một người dân ở thôn 6 xã Chính Lý cho biết.

Thi công đường gần 30 tỷ ở xã Chính Lý: Xem nhẹ môi trường - coi thường nguy hiểm?
Thậm chí tiện tay đơn vị thi công còn tập kết luôn đất bùn thải vào trước của nhà dân.

Không chỉ phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường, một số hộ dân còn phải chịu cảnh mất công ăn việc làm, giảm thu nhập hằng ngày từ ngành nghề kinh doanh, buôn bán của mình. Trong đó, gia đình ông Phạm Đình Hoan là một ví dụ. Kể từ ngày công trình khởi công xây dựng, gia đình ông đã phải đóng cửa quán, mất một lượng khách lớn đi nơi khác.

Trước việc thi công gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống khu dân cư, và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, thời gian qua một số bà con cho biết đã nhiều lần có ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Khi trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân đặt ra câu hỏi về năng lực thi công của nhà thầu, theo họ thực tế thi công đang cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của nhà thầu.

Thi công đường gần 30 tỷ ở xã Chính Lý: Xem nhẹ môi trường - coi thường nguy hiểm?
Những hàng chông sắt sẵn sàng gây họa nếu không may có người trượt chân xuống tại thôn 5 Chính Lý

Tại Điều 5, 6, 7, 8 Mục II, Quyết định số 04/2006/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ cũng quy định việc phải thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình là một trong những điều kiện bắt buộc khi triển khai dự án. Theo quy định này, trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Trong khi thi công, phải có biển hiệu ở hai đầu đoạn đường ghi rõ tên của cơ quan quản lý dự án hoặc chủ quản, tên đơn vị thi công, lý trình thi công, địa chỉ văn phòng công trường, số điện thoại liên hệ và tên của người chỉ huy trưởng công trường.

Người chỉ huy công trường phải có phù hiệu riêng để nhận biết, người làm việc trên đường phải mặc trang phục bảo hộ lao động theo quy định. Trong thời gian thi công phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm. Người cảnh giới hướng dẫn giao thông phải đeo băng đỏ bên cánh tay trái, được trang bị cờ, còi và đèn vào ban đêm…

Nếu đối chiếu theo quy định trên của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị thi công đã có dấu hiệu vi phạm quy định đảm bảo an toàn trong khi thi công đường bộ.

2 km đường đường nông thôn trị giá gần 30 tỷ đồng?

Theo tìm hiểu của chúng tôi các tuyến đườn đang thi công thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Chính Lý, tuyến từ ĐX.01 đến sông Lấp 3, bao gồm hạng mục đường giao thông, hệ thống thoát nước, thời gian hoàn thành là 210 ngày kể từ ngày chủ đầu tư bàn giao mặt bằng; chủ đầu tư là UBND xã Chính Lý;…

Thi công đường gần 30 tỷ ở xã Chính Lý: Xem nhẹ môi trường - coi thường nguy hiểm?
Đơn vị nhà thầu có dấu hiệu thi công cẩu thả, xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khi thi công.

Để có những thông tin khách quan, chúng tôi đã là việc với ông Hoàng Đức Thuấn, Chủ tịch UBND xã Chính Lý, huyện Lý Nhân. Tại buổi làm việc, ông Thuấn cho biết: Dự án đường nông thôn tại xã có 2 nhánh chạy qua một số thôn của xã; một nhánh dài 900m, tổng kinh phí đầu tư là hơn 13 tỷ đồng, nhánh còn lại dài 1,1km tổng kinh phí đầu tư hơn 14 tỷ đồng, thuộc diện đường giao thông cấp 5 nông thôn; dự án được khởi công tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2022. Đơn vị thầu thi công là Công ty An Dương, đóng lại địa phương.

Khi đặt câu hỏi về năng lực thi công của Công ty An Dương, ông Thuấn cho biết năng lực của công ty này hoàn toàn đảm bảo, mọi thông tin nhà thầu đều được công khai trên mạng đấu thầu Quốc gia.

Tuy nhiên những ý kiến của vị chủ tịch xã có vẻ hoàn toàn trái ngược với thực tế chúng tôi ghi nhận ngoài công trình. Bởi việc thi công “thiếu chuyên nghiệp” như người dân phản ánh, hay xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, công tác đảm bảo an toàn thi công, việc thi công gây ảnh hưởng và đảo lộn cuộc sống người dân…đang đặt ra câu hỏi lớn về năng lực thi công thực tế của Công ty An Dương cũng như chất lượng thi công công trình sau khi hoàn tất. Từ đó cũng cho thấy có dấu hiệu thiếu sâu sát, kiểm tra chất lượng, tình hình thi công dự án của chủ đầu tư là UBND xã Chính Lý.

Từ thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Hà Nam, UBND huyện Lý Nhân và các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc thanh, kiểm tra năng lực của nhà thầu thi công, kiểm tra tình hình thi công của dự án đường nông thôn tại xã Chính Lý, không để việc thi công gây ảnh hưởng kéo dài đến cuộc sống người dân, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm từ những hạng mục công trình “kiêm” những cái bẫy rình rập gây họa!

Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận thông tin về vấn đề này trong các bài viết tiếp theo!

Nhóm PV
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động