Xử lý chất thải, nước thải y tế của Việt Nam và những con số

13/06/2023 19:25 Quản lý nguồn thải
Ngày 11/5/2023, Bộ Y tế đã có Báo cáo số 624/BC-BYT về kết quả rà soát các quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý chất thải y tế, quản lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19. Cùng Tạp chí Công nghiệp môi trường điểm qua những con số về xử lý chất thải, nước thải y tế trong Báo cáo.
Ngành Y tế làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế
Ngành Y tế nỗ lực làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế

Thực trạng nguồn phát sinh chất thải y tế

Nguồn phát sinh chất thải y tế phát sinh chủ yếu tại các bệnh viện; các cơ sở y tế khác như trung tâm vận chuyển cấp cứu, phòng khám sản phụ khoa, nhà hộ sinh, phòng khám ngoại trú, trung tâm lọc máu; các trung tâm xét nghiệm và nghiên cứu y sinh học; ngân hàng máu... và đặc biệt ở các khu vực xét nghiệm, khu phẫu thuật, bào chế dược. Hầu hết các chất thải y tế đều có tính chất độc hại và tính đặc thù khác với các loại chất thải khác.

Lượng chất thải y tế phát sinh trong ngày khác nhau giữa các bệnh viện, cơ sở y tế và tùy thuộc số giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa hay đa khoa, trung tâm y tế cũng như các thủ thuật chuyên môn được thực hiện tại bệnh viện, số lượng vật tư tiêu hao được sử dụng...

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 51.962 cơ sở y tế, bao gồm 13.641 cơ sở y tế công lập và 38.321 cơ sở y tế ngoài công lập, trong đó có 73 cơ sở y tế công lập tuyến trung ương (42 bệnh viện; 31 cơ sở khác); 838 cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh (428 bệnh viện; 410 cơ sở y tế dự phòng); 1.599 cơ sở y tế công lập tuyến huyện (570 bệnh viện; 649 trung tâm y tế tuyến huyện và 380 phòng khám đa khoa khu vực); 11.131 trạm y tế xã; 321 bệnh viện ngoài công lập; 38.000 phòng khám ngoài công lập.

Với số lượng cơ sở y tế lớn, các nguồn phát thải cũng đang ngày càng tăng. Đây cũng là áp lực lớn đối với công tác quản lý, xử lý chất thải, nước thải y tế trong thời gian tới. Với tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 130.000 m3/ngày, đêm; tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình 440,7 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 71,5 tấn/ngày trên cả nước thì yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm soát nguồn thải, xử lý chất thải càng nặng nề.

Những nỗ lực trong xử lý nước thải, chất thải ngành y tế

Xử lý nước thải y tế

Tính trên cơ sở tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 130.000 m3/ngày, đêm thì tỷ lệ nước thải y tế được xử lý (tỷ lệ nước thải y tế tại bệnh viện) được xử lý năm 2021 là 93% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 91%).

Xử lý nước thải y tế tuyến xã vẫn còn nhiều khó khăn (đạt tỷ lệ xử lý 50,76%)
Xử lý nước thải y tế tuyến xã vẫn còn nhiều khó khăn (đạt tỷ lệ xử lý 50,76%)

Tính theo tỷ lệ số lượng cơ sở y tế xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường: tỷ lệ cơ sở y tế xử lý nước thải đạt yêu cầu tại tuyến trung ương đạt 95%, tuyến tỉnh đạt 94,2%, tuyến huyện đạt 94,6%, tuyến xã (gồm cả phòng khám đa khoa khu vực) đạt 50,76%; bệnh viện tư nhân đạt 100% (chưa bao gồm các phòng khám tư nhân khác). So với mục tiêu tại Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính đặt ra đến 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì chỉ có khối bệnh viện tư nhân đạt được mục tiêu 100%. Các cơ sở y tế công lập từ trung ương đến địa phương thực hiện xử lý nước thải y tế chưa đạt mục tiêu Đề án 2038, chủ yếu là trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực. Các cơ sở y tế công lập tuyến trung ương, tỉnh, huyện thực hiện xử lý nước thải y tế đạt tỷ lệ khá cao (trên 94%), gần đạt mục tiêu Đề án 2038.

Xử lý chất thải rắn y tế

Tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình là: 440,7 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 71,5 tấn/ngày.

Quản lý, xử lý chất thải y tế, nhiều biến chuyển tích cực
Quản lý, xử lý chất thải y tế, nhiều biến chuyển tích cực

Tính theo tỷ lệ chất thải y tế được xử lý: tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý là 95% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 91%).

Tính theo tỷ lệ số lượng cơ sở y tế xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường: tỷ lệ cơ sở y tế xử lý chất thải rắn y tế đạt yêu cầu tại tuyến trung ương đạt 99%, tuyến tỉnh đạt 99%, tuyến huyện đạt 98%, tuyến xã (gồm cả phòng khám đa khoa khu vực) đạt 62,4%; bệnh viện tư nhân đạt 100% (chưa bao gồm các phòng khám tư nhân khác). So với mục tiêu Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế đặt ra đến 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì chỉ có khối bệnh viện tư nhân đạt được mục tiêu 100%. Các cơ sở y tế công lập tuyến trung ương, tỉnh, huyện thực hiện xử lý chất thải rắn y tế cơ bản đạt mục tiêu Đề án 2038 (trên 98%). Tuy nhiên, các trạm y tế tuyến xã và phòng khám đa khoa khu vực mới chỉ đạt 62,4%.

Xử lý khí thải

Các cơ sở y tế có phát sinh khí thải từ hoạt động chuyên môn y tế đã thực hiện thu gom và xử lý thông qua các tủ hút tại chỗ. Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế đã thực hiện giám sát khí thải lò đốt theo QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhưng chưa thường xuyên. Một số lò đốt chất thải rắn y tế chưa đạt QCVN chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cần được các địa phương rà soát và cho dừng hoạt động và chuyển sang phương pháp phù hợp khác.

Qua những con số trên, có thể thấy rằng ngành Y tế trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực đặc biệt trong công tác xử lý nước thải, chất thải ngành Y tế. Để những con số đó không giảm xuống, ngành Y tế cần tiếp tục rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp bên cạnh việc tăng cường năng lực, công nghệ trong thu gom, xử lý chất thải, nước thải y tế; rà soát đánh giá toàn bộ lò đốt chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý đồng thời kiên quyết cho dừng các lò đốt không đạt QCVN 02:2012/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải y tế; khẩn trương ban hành quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế (theo quy định tại Khoản 6 Điều 62, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020) và tổ chức triển khai thực hiện, nhất là phương án thu gom, vận chuyển chất thải lây nhiễm tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định; rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn và bố trí kinh phí để đầu tư mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc hệ thống đã quá tải xuống cấp, để đảm bảo việc xử lý nước thải y tế đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đạt chỉ tiêu về xử lý chất thải y tế được Chính phủ giao.

Bên cạnh đó việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý chất thải y tế theo thẩm quyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định phải thường xuyên được thực hiện trên cơ sở giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Kiểm soát tốt nguồn phát thải và làm tốt công tác thu gom, quản lý, xử lý nước thải, chất thải y tế không chỉ là trách nhiệm của Bộ Y tế mà cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động