Di dời nhà máy khỏi nội đô: "Miếng bánh lợi ích" kéo lùi chủ trương

25/09/2019 16:36 Tác động môi trường
Các chuyên gia, luật sư đều khẳng định chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô là đúng đắn của Chính phủ. TP. Hà Nội cần kiên quyết di dời, đồng thời Chính phủ cần phải có chế tài trong việc này.
Tây Ninh bắt vụ xả trộm chất thải công nghiệp ra môi trường Bị phạt 260 triệu đồng, nhà máy tinh bột vẫn xả thải ra môi trường Các hoạt động bảo vệ môi trường được vay vốn ưu đãi

Không thể thờ ơ, chậm trễ

Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết, chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi khu vực dân cư đã có từ lâu. Sau khi xảy ra vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), bộ đã đề nghị UBND TP. Hà Nội tạo điều kiện cho Công ty Rạng Đông chuyển địa điểm sản xuất. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã làm việc, đề nghị lãnh đạo Công ty Rạng Đông khẩn trương lập phương án di dời nhà máy; đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, độc hại khác, Thành ủy và UBND đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại tất cả các cơ sở, nhà máy đóng trên địa bàn.

di doi nha may khoi noi do mieng banh loi ich keo lui chu truong

Gần 9 năm nay cư dân chung cư GP Invest và người dân phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa phải sống chung cùng cơ sở sản xuất của hai đơn vị là Công ty CP Dược phẩm Hà Nội và Công ty TNHH B.Braun - chuyên sản xuất về dịch chuyền trong y tế. (Ảnh: Kháng An)

Lý giải về tiến độ xử lý, di dời chậm, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho rằng do tâm lý doanh nghiệp (DN) không muốn di chuyển ra xa nội thành, năng lực tài chính của hầu hết các DN còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ tại nơi di chuyển đến; nguồn lực Nhà nước còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến; cơ chế, chính sách hỗ trợ DN di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế; các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng theo Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt.

Đánh giá về sự chậm trễ này của TP. Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội - cho rằng: Ngoài những nguyên nhân trên, việc chậm trễ di dời các cơ sở gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ cao có một phần trách nhiệm của các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương, vì “đưa ra chủ trương nhưng lại không giám sát việc thực hiện”.

Dẫn chứng việc Công ty Rạng Đông TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, mặc dù đã có kế hoạch di dời lên Bắc Ninh từ cách đây nhiều năm nhưng Công ty này vẫn ở yên một chỗ để rồi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề.

"Hà Nội phải kiên quyết di dời, thu hồi quỹ đất. Nếu DN vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để 'giữ đất' thì phải có biện pháp xử lý nghiêm. Dứt khoát không để DN, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn PCCC, gây nguy hại trong khu dân cư. Đồng thời, kiên quyết di dời, thu hồi quỹ đất trả TP. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của DN về phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường sống" - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

di doi nha may khoi noi do mieng banh loi ich keo lui chu truong
Vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông là "bài học" để chính quyền Hà Nội "thức tỉnh". (Ảnh: Kháng An)

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá: Hiện nay, trong nội thành Hà Nội còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ sở lưu chứa và sử dụng hóa chất độc hại. Các cơ sở này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong khu vực đông dân cư.

TP. Hà Nội cần điều tra, đánh giá lại thật cụ thể, chính xác tất cả các hoạt động của các cơ sở sản xuất. Nếu cơ sở nào có nguồn thải gây ô nhiễm, sử dụng những nguyên vật liệu nguy hại…, phải có giải pháp khẩn cấp đưa ra khỏi nội đô.

"Di dời cơ sở sản xuất là cả một vấn đề lớn đối với DN, chắc chắn họ sẽ không thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu đã có những đánh giá chính xác mức độ gây ô nhiễm môi trường thì chính quyền cần phải có biện pháp kiên quyết. Nếu không khi xảy ra sự cố hậu quả sẽ là khôn lường" - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đưa ý kiến.

Cần có chế tài

Trao đổi với PV, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhìn nhận: Chủ trương là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra chứ không có chế tài. Điều này lý giải tại sao lại chậm, tại sao ỳ ra như hiện nay. Ví dụ hết năm 2019, các nhà máy không di dời thì chỉ ngừng sản xuất…

"Theo tôi đánh giá thì chủ trương nằm trên giấy, cho nên cở sở nào muốn di dời thì sẽ di dời, còn không muốn di dời thì cũng chẳng có chế tài nào để bắt di dời cả. Đấy là tính pháp lý của chủ trương" - Luật sư Trần Tuấn Anh nói.

di doi nha may khoi noi do mieng banh loi ich keo lui chu truong

Công ty Thuốc lá Thăng Long nằm trên vị trí đất vàng của quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Kháng An)

Theo phân tích của Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, một phần chậm trễ trong việc di dời liên quan đến chính các DN vì có DN làm ăn được, DN “chết dở sống dở” nên việc di dời DN phải tính toán đến là tiền đâu để di dời, tiền đâu để chuyển công nhân…

Đặc biệt, hiện nay vẫn còn tồn tại "miếng bánh lợi ích" từ chính những miếng đất để lại. Vì di dời rồi không có nghĩa là DN mất quyền sử dụng đất; ngừng sản xuất thì có thể họ mất đất… nên họ cứ duy trì hoạt động sản xuất một cách èo uột, ăn-bám sâu vào đấy. Và, thực tế cho thấy nhiều nhà máy đã đầu tư cơ sở mới nhưng vẫn không chịu bỏ các vị trí đất trong nội đô. Điển hình như Công ty Dệt kim Đông Xuân (524 Minh Khai, Hai Bà Trưng) đã xây dựng nhà máy ở Khoái Châu, Hưng Yên; Công ty TNHH B.Braun (170 đường La Thành) đã xây dựng cơ sở sản xuất tại KCN Thanh Oai…

"Tôi đánh giá khâu xử lý chưa quyết liệt, xuất phát từ nhiều việc trên nên “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Câu chuyện giằng dai giữa lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích người lao động cũng không làm được rồi lợi ích nhóm trong một số việc mà di dời nhà máy, dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các đất đó nữa thì rất nhiều lợi ích giằng xé nhau. Như một số khó khăn trong cách triển khai lại còn không có chế tài nữa nên dẫn đến trường hợp chậm trễ trong việc di dời" - Luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

di doi nha may khoi noi do mieng banh loi ich keo lui chu truong

Công ty Dệt kim Đông Xuân (524 Minh Khai, Hai Bà Trưng) vẫn hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường cho người dân Hà Nội dù đã xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động ở Khoái Châu, Hưng Yên. (Ảnh: Kháng An)

Để khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc di dời nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhấn mạnh: Đầu tiên phải có chế tài. Phải có một thời hạn nhất định để di dời, không di dời thì phải chịu chế tài, có thể dừng sản xuất.

Thứ hai, DN xây dựng cơ sở ở bên ngoài, xây dựng nhà máy, nhà nước phải hỗ trợ DN trong một một số việc di dời như: Giải quyết quyền lợi người lao động trong việc ai đi - ai ở quyền lợi thế nào, ai không làm nữa thì được giải quyết chế độ ra sao; hỗ trợ DN các chính sách như là miễn thuế, giảm thuế…

Sau đó đến việc thanh kiểm tra trong các nhà máy phải làm thực sự. Cần làm nghiêm để xem có thực sự vi phạm hay không để đánh giá tính cấp thiết của việc di dời. Tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tránh để sự việc như vụ Rạng Đông vừa rồi.

Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện hết sức để các DN chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu phù hợp với quy hoạch phải xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất thông qua đấu giá, đấu thầu. Bao nhiều phần trăm nộp về nhà nước, bao nhiêu phần trăm để tái đầu tư cho DN để ra vị trí mới. Bao nhiêu phần trăm quyền lợi cho phía người lao động hoặc người góp vốn vào đấy.

"Giải quyết hài hòa cho tất cả mọi người sẽ ổn. Chính phủ phải có chế tài cho việc này, còn nếu Chính phủ không ra thì sao Hà Nội dám ra chính sách riêng. TP.Hà Nội đang gặp khó bởi vì đối với một số vị trí nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng không thuộc quản lý của Hà Nội nên có di dời được không phải chủ trương, chế tài từ Chính phủ; đối với các tỉnh, thành khác cũng vậy. Vì lẽ đó, các tỉnh, thành cần đề xuất, kiến nghị với vai trò là chính quyền địa phương lên Chính phủ" - Luật sư Trần Tuấn Anh đề xuất.

Cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh: Về cơ bản chủ trương chúng ta đã có, chính sách pháp luật về đất đai Nhà nước cũng đã có từ rất lâu. Chủ trương thì đúng đắn, tuy nhiên cách thức thực hiện chúng ta còn khó khăn… Theo luật về bảo vệ môi trường các cơ sở gây ô nhiễm chắc chắn sẽ phải bị xử phạt hành chính, khắc phục hậu quả, bên cạnh đó có thể yêu cầu ngưng sản xuất.

"Để đẩy nhanh được công tác di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, ngoài trách nhiệm của Hà Nội rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành Trung ương. Cần tạo điều kiện trong việc bố trí ngân sách, có những chính sách ưu đãi về vốn vay để các DN sớm hoàn thành xây dựng cơ sở mới. Có chính sách phù hợp để các DN liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị theo quy hoạch mới tại cơ sở cũ" - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm.

"Quan điểm của tôi là nên thực hiện các dự án hạ tầng xã hội vì so với các nước phát triển, diện tích quảng trường, công viên và các công trình công ích khác của Hà Nội còn đang thiếu nhiều. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án thương mại thông qua đấu giá các khu đất vàng tại Hà Nội cũng cần được tính đến. Vấn đề làm sao kiểm soát được tính minh bạch, hiệu quả và đúng luật của hoạt động đấu giá này mà thôi. Chủ trương của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, thuộc chiến lược quy hoạch quốc gia, phù hợp với Luật Thủ đô. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao - tiếp nhận ì ạch, chậm chạp là một sự lãng phí nguồn lực và bỏ lỡ cơ hội phát triển của Hà Nội, lãng phí tài sản Nhà nước. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các chủ thể có liên quan" - Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode.

Theo Trần Khánh - Thành An/Báo Dân Việt
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động