Xử lý chất thải rắn cách nào?

27/11/2019 10:05 Quản lý nguồn thải
Giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ ủ phân hữu cơ vi sinh và nhiệt phân rác nhựa kết hợp đốt tiêu hủy.
Định hướng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thanh Hóa Ảnh hưởng của nhựa dùng một lần đến sinh vật biển và con người Tham gia triển lãm công nghệ xử lý chất thải được cấp miễn phí 1 gian hàng

Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày. Trong đó, CTRSH đô thị khoản 37.000 tấn/ngày, CTRSH nông thôn chiếm khoảng 24.000 tấn/ngày.

Xử lý chất thải rắn cách nào?
Lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày. Trong đó, CTRSH đô thị khoản 37.000 tấn/ngày, CTRSH nông thôn chiếm khoảng 24.000 tấn/ngày.

Thực trạng và xử lý

TP. HCM là địa phương có lượng CTRSH phát sinh lớn nhất với 9.100 tấn/ngày, chủ yếu tại các nguồn như: khu dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, khu vực công cộng, trung tâm thương mại, chợ…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, tỉ lệ gia tăng CTRSH hàng năm khoảng 5%, dự báo đến năm 2020, khối lượng CTRSH phát sinh là 10.300 tấn/ngày và đến năm 2025 sẽ là 13.000 tấn/ngày.

Năm 2017, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định 1832/QĐ-UBND về Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, Thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thu gom riêng rác thải sau phân loại phù hợp với đặc điểm tình hình của từng quận huyện. Đến năm 2020 triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố.

Ông Đỗ Tiến Đoàn - Vụ quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và còn mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao. Tỉ lệ thu gom CTRSH hiện nay tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85,5% và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60%.

Đối với khu vực nông thôn, tỉ lệ thu gom đạt trung bình khoảng 40 - 45%, trong đó, tại các vùng nông thôn ven đô thị, các thị trấn đạt tỉ lệ cao hơn các vùng sâu, vùng xa.

Cũng theo ông Đoàn, việc thu gom vận chuyển chất thải phát sinh từ các huyện đảo còn gặp nhiều khó khăn, việc thu gom, vận chuyển vào đất liền có chi phí cao trong khi việc đầu tư thiết bị xử lý như lò đốt công suất lớn không hiệu quả về mặt kinh tế.

Liên quan đến công tác xử lý CTRSH, ông Đỗ Tiến Đoàn cho rằng, hiện nay chủ yếu là xử lý bằng biện pháp chôn lấp (chiếm 71%), trên cả nước hiện có 900 bãi chôn lấp. Tuy nhiên, nhiều bãi không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh.

Giải pháp từ công nghệ

Theo ThS. Nguyễn Thành Tài - Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Công nghệ mới, đặc tính của CTRSH tại Việt Nam là chất thải rắn hỗn hợp chưa được phân loại tại nguồn. Ngoài ra, CTRSH ở Việt Nam có độ ẩm cao và được bao gói trong nhiều lớp nylon, nên để xử lý triệt để CTRSH cần phải đầu tư nhiều công đoạn và máy móc, thiết bị để phân loại, tái chế với suất đầu tư và chi phí vận hành cao.

Để xử lý hiệu quả CTRSH, ông Tài đề xuất Giải pháp công nghệ ủ phân hữu cơ vi sinh và nhiệt phân rác nhựa, kết hợp đốt tiêu hủy với nguyên lý “xử lý trước, phân loại sau” nhằm tái chế triệt để CTRSH đạt hiệu quả kinh tế và môi trường cao.

ThS. Nguyễn Thành Tài cho rằng, hiệu quả của giải pháp công nghệ này là thời gian đầu tư và triển khai nhanh; giảm chi phí xử lý và vận hành so với các công nghệ hiện hữu; sử dụng ít quỹ đất, suất đầu tư thấp; xử lý triệt để và lâu dài CTRSH; hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường thứ cấp và phù hợp với nhiều điều kiện cả cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

“Ưu điểm của giải pháp công nghệ này là trong quá trình ủ phân không phát sinh mùi hôi, sản phẩm phân hữu cơ vi sinh có chứa các vi sinh có lợi và các chất dinh dưỡng dễ hấp thụ cho quá trình phát triển của cây trồng. Ngoài ra, trong quá trình phân loại, rác sau quá trình ủ không còn mùi hôi và không còn vi sinh vật gây bệnh, tạo môi trường làm việc sạch sẽ cho người lao động trong quá trình phân loại thủ công”. ThS. Tài chia sẻ thêm.

Đánh giá về các giải pháp quản lý chất thải rắn hiện nay, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân – Trưởng phòng KHCN&QHDN, trường Đại học Tài nguyên và Môi Trường TP. HCM cho biết, hiện nay, có hai giải pháp có thể thực hiện khả thi; thứ nhất là sẽ thực hiện phân loại rác tại nguồn, tiến hành theo cơ chế 3R (rác hữu cơ, rác tái chế và rác khó phân hủy), rác sau khi phân loại sẽ tiến hành thu gom riêng, sau đó sẽ tái chế ra các sản phẩm hữu cơ để sản xuất phân bón và giảm thiểu rác thải nhựa.

Việc quản lý này cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư và đặc biệt là cần phải nâng cao ý thức của người dân. Hiện nay, ở TP. HCM cũng như các tỉnh thành trong cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có những chính sách về việc phân loại rác tại nguồn.

Thứ hai là chúng ta có thể sử dụng giải pháp chôn lấp theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

"Ngoài ra, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã áp dụng những công nghệ xử lý của nước ngoài như các lò đốt rác nhiệt độ cao. Tuy nhiên, những công nghệ này có nhược điểm là giá thành khá cao và khi đốt ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra một loại chất đioxin rất đôc hại . Vì vậy, theo tôi, giải pháp hữu hiệu nhất trong tương lai là chúng ta nên hướng đến việc biến rác thải thành các nguồn năng lượng và tái chế rác thải thành vật liệu xây dựng" - PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân chia sẻ.

Theo Enternews.vn
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động