Hiệu quả mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”

18/09/2019 15:00 Tác động môi trường
Đây là mô hình do Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với 22 tỉnh, thành phía Nam xây dựng, triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về công tác bảo vệ môi trường; trong đó, ưu tiên thực hiện thí điểm tại các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm hơn công tác môi trường
hieu qua mo hinh cung nong dan bao ve moi truong
Mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được triển khai đã giúp bà con nông dân thay đổi cả nhận thức và hành động, góp phần cải tạo môi trường nông thôn trở nên xanh- sạch- đẹp.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ vững năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời, còn góp phần lớn vào việc duy trì, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

Tuy nhiên, chính tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng chủng loại, liều lượng của người nông dân; đồng thời tình trạng vứt bừa bãi các loại bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng ra môi trường… đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường.

Theo một kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật- trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, trung bình số lượng thuốc còn bám lại trên các vỏ bao bì chiếm tới 1,85 % tỷ trọng của bao bì. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật hầu như không được người dân thu gom mà thường vẫn bị vứt bỏ bừa bãi trên khắp các đồng ruộng, kênh, mương… Do đó, những chất độc còn sót lại khiến môi trường đất, nước và cả không khí bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, thuốc hết hạn sử dụng còn được bán tràn lan; thuốc không thích hợp với chủng loại cây trồng và sâu bệnh, nằm ngoài danh mục, chưa có giấy phép… vẫn lưu hành; đáng sợ hơn vẫn còn tình trạng thuốc trong danh mục cấm nhưng vẫn được bày bán.

Đáng chú ý, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc các loại cây ăn quả, rau ăn lá diễn ra khá phổ biến tại các vùng nông thôn. Thông thường, người sản xuất phải chờ cho đủ thời gian để thuốc phân hủy an toàn mới tiến hành thu hoạch; tuy nhiên, do lợi ích trước mắt, sản phẩm vẫn được thu hái ngay sau khi phun nên dẫn tới việc xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do người dân ăn phải các loại rau quả có lẫn dư lượng thuốc độc hại.

Tại huyện Bình Tân- tỉnh Vĩnh Long, hiện 11 xã trong huyện đều đã có hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; bình quân có 20 hố/xã. Ngoài ra, huyện còn tiến hành xây 02 kho để lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tháng, các xã sẽ tự thuê nhân công làm nhiệm vụ thu gom bao bì ở các hố và đem tập kết đến các địa điểm thu gom để đợi các xe chuyên dụng tới chở, đưa về nơi chứa rác tập trung và tiến hành tiêu hủy, không gây ô nhiễm môi trường.

Người dân được chính quyền địa phương hỗ trợ việc tổ chức nhiều đợt tập huấn và thực hành kỹ năng, từ đó giúp thay đổi nhận thức và hành vi. Hiện nay, các phần việc như: Triển khai ghi nhật ký ngày mua và lịch trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; mặc đồ bảo hộ khi đi phun thuốc; thu gom bao bì vỏ chai bỏ vào hố chứa… đều được bà con tiến hành thuần thục và rất đồng tình ủng hộ.

Tương tự, tại địa bàn các huyện: Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm của tỉnh, ngành chức năng cũng vừa tổ chức cho bà con nông dân tiến hành thu gom vỏ chai, bao bì trong đợt 1 được tổng số 1.115 kg. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức và nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cho người dân.

Triển khai thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang đã tiến hành tập huấn cho hàng ngàn lượt nông dân về cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành thu gom được trên 3,3 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đem đi tiêu hủy. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, ngành chức năng đã phối hợp cùng với các đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức cho bà con nông dân tiến hành thu gom được 3.338 kg vỏ chai, bao, gói đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Qua đó, loại bỏ dần thói quen xấu vứt bỏ các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện trên đồng ruộng của bà con nông dân như trước đây; góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Huyện Châu Thành là địa phương tiến hành thu gom nhiều nhất, với 1.020 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật; huyện Giồng Riềng thu gom được 900 kg. Ngoài ra, tại một số địa bàn khác vốn là trọng điểm trồng lúa của tỉnh như các huyện: Tân Hiệp, Hòn Đất, Giang Thành… bình quân thu gom từ 300- 500 kg/huyện.

Cùng với đó, số lượng bao bì sau khi thu gom về trong đợt 1 với trọng lượng hơn 2,5 tấn đã được đem đi tiêu hủy tại lò nung nhiệt độ cao của Nhà máy Xi măng Insee đóng tại địa bàn huyện Kiên Lương. Số lượng còn lại cũng đang chờ Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh mang tiêu hủy theo đúng quy định.

Thời gian qua, chính quyền huyện huyện Phú Tân- tỉnh An Giang đã quan tâm, dành nguồn kinh phí gần 700 triệu đồng để tiến hành công tác thu gom, vận chuyển và xử lý các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Bước đầu, huyện sẽ triển khai việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các xã nông thôn mới trong năm 2019- 2020.

Cụ thể, xã Phú Bình tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật với tổng khối lượng xử lý khoảng 1.687 kg/năm. Cùng với đó, đối với 6 xã điểm nông thôn mới khác, ước tính bình quân khối lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh từ diện tích đất trồng cây hàng năm và lâu năm tại các địa phương này cũng vào khoảng 8.798 kg/năm. Ngoài ra, huyện tiếp tục duy trì mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý đã triển khai thực hiện trước đó với khối lượng cần xử lý khoảng 450 kg/năm.

Mặt khác, UBND các xã trong huyện đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vỏ bao bì phải có trách nhiệm đem bỏ vào các thùng thu gom; phân loại riêng bao bì thuốc với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng; không được sử dụng bao bì thuốc vào cho các mục đích khác cũng như không tự ý đốt, đem chôn hoặc bán phế liệu…

Đến nay, mô hình đã thành lập được 3 vùng chuyên thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các địa phương gồm: Huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp); huyện Châu Thành (tỉnh An Giang); huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, liên kết với 5 Hợp tác xã nông nghiệp ở các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang xây dựng hố chứa, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, vận động bà con nông dân thu gom và tiêu hủy hơn 34,876 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, ngoài việc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, bà con nông dân còn được khuyến khích áp dụng chương trình “Công nghệ sinh thái” trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ 2 sinh thái đồng ruộng... Nhờ đó, giúp giảm đáng kể số lần xử lý nông dược; giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập cho người nông dân.

Cụ thể, trong vụ Đông Xuân 2017- 2018, khi so sánh giữa các mô hình thí điểm với các mô hình đối chứng kiểu truyền thống cho thấy, hiệu quả kinh tế đạt được đều cao hơn trên cùng diện tích. Trong đó: Mô hình trồng lúa thu lãi cao hơn 1,3 triệu đồng/ha; trồng rau màu lãi cao hơn 13,8 triệu đồng/ha; trồng cây ăn quả lãi hơn 55,2 triệu đồng/ha; cây công nghiệp cho lãi hơn 12,8 triệu đồng/ha.

Có thể khẳng định, việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân; từng bước cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng. Qua đó cho thấy sức lan toả của việc bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam là xu hướng tất yếu, phù hợp với thời đại.

Trong hơn 7 năm triển khai, mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã hình thành được 167 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới tại 22 tỉnh, thành; áp dụng với các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và xuất khẩu như: Lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, hồ tiêu, khoai lang, hành tím… Tổng diện tích của các mô hình đến nay đã đạt hơn 8.000 ha, với sự tham gia trực tiếp của trên 7.700 hộ nông dân tham gia.
Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động