Đổi rác – Nhận quà: Cách làm thiết thực và ý nghĩa

11/02/2020 20:53 Tăng trưởng xanh
Thời gian qua, phong trào hạn chế túi nilon và đồ nhựa dùng một lần đã lan rộng trong cộng đồng với nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, việc thực hiện chương trình Đổi rác – Nhận quà ở nhiều địa phương đã nhận được sự tham gia ủng hộ nhiệt tình và góp phần rất lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Sâu bột: Giải pháp tiềm năng giải quyết rác thải nhựa Đầu tư mô hình thu gom rác thải dựa vào cộng đồng

Trước hết, phải kể tới cách làm của UBND xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, nhằm hạn chế các loại chất thải nguy hại trong sinh hoạt phát tán ra môi trường gây ô nhiễm. Các hoạt động thu gom đổi rác thải nguy hại nhận ngay đồ dùng sinh hoạt tại nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn Bình An, Trung Yên, Phước Bình xã Sơn Viên. Danh mục chất thải nguy hại được dùng để quy đổi như: Pin, ắc quy đã qua sử dụng, bóng đèn huỳnh quang, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, chất thải điện tử,... với 1kg rác thải nguy hại người dân sẽ nhận được phần quà trị giá 10.000 đồng và được quy ra thành các vật dụng tương đương như: Giỏ đựng rác, xà phòng giặt, kem đánh răng, chén sứ, nước rửa chén,..

Với cách làm này, các loại chất thải nguy hại sinh hoạt trong gia đình sẽ được bà con thu gom, phân loại và chính quyền xã sẽ hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý theo đúng quy định, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo lập cách ứng xử thân thiện với môi trường của bà con nhân dân khu vực nông thôn.

doi rac nhan qua cach lam thiet thuc va y nghia
Đổi rác thải nguy hại nhận ngay đồ dùng sinh hoạt tại nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn xã Sơn Viên.

Tại Siêu thị Co.opmart Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, Thị Đoàn Cai Lậy kết hợp cùng Đoàn cơ sở Siêu thị Co.opmart Cai Lậy tổ chức Chương trình "Đổi rác - nhận quà" với chủ đề "Chống ô nhiễm do rác thải nhựa".

doi rac nhan qua cach lam thiet thuc va y nghia
Chương trình "Đổi rác - nhận quà" của tuổi trẻ Tiền Giang.
Tham gia chương trình, đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân trên địa bàn thị xã Cai Lậy cùng các huyện lân cận thu gom chất thải nguy hại (vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, bao ni lông, bao xốp, vỏ chai nhựa, bao bì nhựa... đã qua sử dụng) để tích lũy điểm đổi quà trong chương trình. Cứ 10 bao ni lông, bao xốp đã qua sử dụng được giặt sạch, xếp gọn hoặc 05 vỏ chai (vỏ chai nước suối, nước ngọt, chai đựng hóa chất, vỏ chai xà phòng đã qua sử dụng) được 1 điểm tích lũy để nhận quà. Theo đó, cứ 5 điểm sẽ đổi được 1 quyển tập 96 trang; 10 điểm đổi được 01 túi thân thiện môi trường; 15 điểm đổi được 01 thùng rác nhựa tái sinh; 20 điểm đổi được 01 giỏ đi chợ bằng nhựa tái sinh, sử dụng nhiều lần.

Chương trình "Đổi rác - nhận quà" nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và chuyển sang dùng túi sử dụng nhiều lần. Từ đó, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Dự án “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” của các bạn trẻ ở Đà Nẵng cũng gây chú ý, vì câu chuyện thải rác ra môi trường được viết lại theo cách rất riêng. Khi các sinh viên mang rác thải nhựa, giấy đến sẽ được đổi hoa và quà. Các thành viên của nhóm sẽ chế tác những vật trang trí đẹp mắt, hữu dụng từ chai nhựa, bao bì, giấy, trồng những chậu hoa, cây cảnh... để làm quà đổi. Mỗi năm, dự án “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” mở 3 đợt thu đổi. Đợt 1 khởi động ngay sau Tết Nguyên đán, thời điểm có quá nhiều vỏ bánh kẹo, vỏ chai, vỏ lon... thải ra. Kế tiếp là dịp 5/6, ngày Môi trường thế giới, cũng là thời điểm sinh viên nghỉ hè và dọn dẹp phòng trọ. Đợt 3 tổ chức vào tháng 8, lúc sinh viên sắp nhập học. Ngoài ra, dự án còn tổ chức thu gom pin cũ đã qua sử dụng, sau đó chuyển ra Hà Nội để tái chế xử lý theo đúng quy trình.

Xuất phát từ mong muốn thay đổi ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường, tái sử dụng và phân loại, hạn chế rác thải, một nhóm bạn trẻ tại TP. Hồ Chí Minh đã cùng nhau thành lập nên dự án "Đổi rác lấy quà - DoRaLaQua”. Chiến dịch “Đổi rác lấy quà” vừa xuất hiện online đã gần như lập tức nhận được phản hồi tích cực: hơn 3.000 share, tiếp cận hơn 100 ngàn người, hơn 2.000 đăng ký tham gia, nhiều doanh nghiệp chủ động tài trợ... Doralaqua nhận tất cả các loại rác thải tái chế như: sách báo cũ, giấy vụn, sắt, nhựa, vỏ lon và quần áo cũ, vỏ hộp sữa hoặc bất kỳ thứ gì có thể tái chế, tái sử dụng. Số rác thu gom được này sẽ được phân loại và chuyển giao cho nơi tái chế. Quần áo cũ sẽ được làm sạch và gửi đến những vùng nghèo khó. Sách cũ, gom làm thư viện. Đặc biệt hơn, kinh phí tạo ra từ rác sẽ dành để đóng học phí cho các học sinh nghèo.

Chương trình “Đổi rác lấy quà tặng” do tuổi trẻ Hội An phát động, hưởng ứng cuộc vận động nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường giảm thiểu rác thải nhựa của UBND thành phố Hội An phát động; tuyên truyền việc thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố hướng dẫn người dân nâng cao chất lượng phân loại rác để giảm áp lực cho bãi rác tại xã Cẩm Hà (Hội An). Theo đó, cứ 15 chai nhựa hoặc 20 vỏ lon; 5 viên pin, các sản phẩm đã qua sử dụng, mọi người có thể nhận được 02 quà tặng hữu ích, thân thiện với môi trường như: chai thủy tinh 500ml, túi cói, chậu hoa bằng gỗ, kèm theo tờ rơi tuyên truyền về phân loại rác thải tại nguồn.

Bên cạnh đó, còn có rất... rất nhiều nơi xuất hiện các phong trào, chương trình, dự án nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng và giảm thiểu lượng rác thải, bảo vệ sức khỏe con người. Thiết nghĩ đây là những mô hình cần được duy trì, phát huy và nhân rộng trong cộng đồng.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động